Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Những mảnh ghép

Cây cà chua con trồng ở trường

Hàng ngày, mỗi buổi con tan học, bước chân vào đến nhà, sau câu chào bao giờ cũng là câu hỏi quen thuộc của mẹ: “Hôm nay ở trường có gì vui?”  Mẹ sốt ruột mà hỏi, thành thói quen. Đôi khi con hào hứng kể những chuyện trên lớp, cũng có khi mệt quá, “Mẹ cho con nghỉ tí đã”…  Nếu mà nghỉ tí đã thì hai mẹ con sẽ nói về những câu chuyện đó trong lúc con uống nước, hoặc ăn tạm mấy món ăn nhẹ lót dạ trước bữa chiều.

Đầu năm học, con và các bạn khối lớp 2 mỗi người trồng một cây cà chua. Đến giờ nó đã ra quả chín rồi. Thế là gần đây cây cà chua được quan tâm lắm, nhất là những hôm có đến 2 giờ các con ra vườn trường chăm sóc và vẽ hoặc mô tả từng bước phát triển của cây.

Đầu tuần đến trường con dự buổi họp phụ huynh/dự giờ kiêm luôn nghe concert do các con biểu diễn (các bố mẹ hôm đó được “chiêu đãi” nhiều “món ngon” quá!).  Lớp học thật sinh động với những bức tranh vẽ bằng màu nước được treo ở bức tường cuối lớp.  Từng ấy bức tranh, từng ấy tác phẩm đẹp thể hiện tâm hồn, suy nghĩ của các con, nhưng đằng sau đó là từng ấy bộ quần áo và những đôi giày, chiếc mũ lấm lem màu nước sau buổi vẽ.  Các con vui trên lớp, các mẹ ở nhà chiều hôm đó chuẩn bị tinh thần để giặt đồ.   Các cô giáo vất vả hướng dẫn vẽ, các mẹ ở nhà đóng góp một phần cho con phát triển.  Đấy là bức tranh toàn cảnh.

Đứng ngoài hành lang theo dõi cô trò dạy nhau học.  Trời nóng nhưng hành lang sàn gỗ thoáng mát vì ở trên tầng 2. Sàn sạch bóng. Sát tường có mấy giá sắt và kệ đựng đồ của các con. Chiếc giá phơi khăn lau luôn gây sự chú ý của mẹ.  Những chiếc khăn đó là để các con tự lau bàn ghế và sàn phòng học, hành lang, cửa sổ, cửa ra vào của lớp.  Chiếc bồn inox dài có 4-5 vòi nước được đặt ngay trước lớp, tiện rửa tay, giặt khăn.  Ở trường con được học “kỹ năng” lau nhà của người Nhật. Về nhà, mẹ “bổ sung” thêm kỹ năng lau nhà của mẹ.  Con tự chọn, cách nào phù hợp với con thì con dùng cách ấy.

Cạnh đấy là những chiếc ô (đa số là vàng cam – màu ô đồng phục của trường học) được móc nơi bậu cửa sổ.  Những chiếc ô này luôn có mặt ở trường, phòng khi tan học trời mưa bất chợt.  Ở nhà cũng có một chiếc ô riêng của con, cho những hôm mưa rơi từ sáng khi con đi học.  Thế mới nói rằng người Nhật thích dùng ô.  Các cửa hàng/siêu thị, ngay cả trong các gia đình, hầu như nơi nào cũng có một vài chiếc giá để ô.

Mỗi lần đến thăm trường các con, dự một số giờ học hay tham gia một số hoạt động, mẹ lại thu được những mảnh ghép. Dù nhỏ dù lớn, dù tích cực hay đôi khi thoáng chút tiêu cực (bởi sự thái quá), nó cũng cho mẹ một bức tranh gần như toàn cảnh về cuộc sống, sự phát triển của con, để biết mình cần cùng con điều chỉnh những gì…

Ngày Gia Đình Việt Nam đã qua, chiếc bánh quy “khổng lồ” cũng đã được từng người trong nhà thưởng thức hết, nhưng có lẽ các con sẽ nhớ lý do vì sao chiếc bánh tròn bị mẹ cắt ra từng miếng nhỏ.  Không chỉ để hai đứa chơi trò ghép hình, mà con có thể hiểu thêm, cuộc sống là những mảnh ghép nhỏ. Gia đình cũng vậy.  Những mảnh ghép có thể là những cảm xúc yêu thương hay vui buồn hờn giận, nhưng đó là sự muôn màu của cuộc sống.  Có những cảm giác đó, hạnh phúc gặt hái được mới tròn đầy ý nghĩa.

Và những mảnh ghép đó, như mỗi thành viên trong gia đình: có miếng nhỏ miếng to, miếng hình bình hành, miếng hình nón, miếng hình thang, như tính cách mỗi người trong bố, trong mẹ, và trong các con. Nhưng thử nghĩ xem, nếu như tất cả đều giống nhau, liệu nó có làm nên một bức hình tròn trịa?

28 responses to “Những mảnh ghép

  1. Minh Phương 28/02/2012 lúc 3:42 Chiều

    Chào Chị, vô tình lạc vào căn bếp ấm cúng và tràn đầy tình yêu thương của gia đình Chị, em ngộ ra được nhiều thứ qua các bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và đầy ý nghĩa. Thấy mình thêm yêu cuộc sống và gia đình mình hơn, đặc biệt đây là nơi em có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nấu nướng. Rất vui được làm quen và được thường xuyên ghé thăm Bếp Rùa của Chị 😉
    Chúc Chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và luôn tràn ngập tiếng cười nha!

  2. pense 18/07/2011 lúc 3:38 Chiều

    Chào chị, biết đến nhà chị sau khi tìm kiến thông tin. bài viết của chị rat hay nhẹ nhàng. đọc xong, ngộ ra nhiều việc. cám ơn chị

  3. Tranguyen 01/07/2011 lúc 11:06 Chiều

    Chị, detail vụ lao nhà kiểu Nhật đi 😉 kiểu VN thì .. làm luôn nhé hi hi
    Take care & Cuối tuần thật vui và hạnh phúc nhé chị

    • Khai Tâm 02/07/2011 lúc 4:44 Sáng

      Thực ra chị có nhìn thấy con gái lau nhà ở trường đâu, nhưng mỗi lần lau nhà, hỏi tại sao lau thế thì con bảo ở trường cô giáo dạy. Người Nhật làm gì cũng quỳ gối xuống sàn, rất tận tâm và chú ý, nhưng ở nhà lau có dùng nước tẩy sàn, sợ nó bám vào quần áo và tiếp xúc với da nên lại đổi kiểu không quỳ gối. Thêm nữa là khi lau, thấy con miết khăn theo đường thẳng, những đường dọc hoặc ngang chạy song song trong khi ở nhà lại dạy là lau theo hình xoáy oval để những vết bẩn bám trên sàn có thể sạch được…

  4. michelle 01/07/2011 lúc 9:02 Chiều

    Em chắc tương lai cũng hơi xa xôi nữa mới có con. Cũng biết nó sẽ nghịch ngợm, cũng biết nuôi con sẽ khó khăn vất vả và có lúc bất lực nữa… Nhưng em vẫn rất mong mỏi, rất hi vọng, rất mong chờ:) Bố mẹ nào cũng đặt nhiều hi vọng vào con nhưng quan điểm của em vẫn muốn chỉ bảo, đưa đường chứ ko ép buộc, ko gây áp lực cho con.
    Mong sau này em sẽ làm đc 1 ng mẹ tốt. Theo dõi các bài viết của chị, em càng ngày càng tự tin về vấn đề đó.
    Chân thành cảm ơn chị Rùa, và cả 2 em rùa dễ thương nữa;)(gọi Rùa mẹ là chị, gọi rùa con là em, chắc chỉ có em thôi nhỉ?:D)

    • Khai Tâm 02/07/2011 lúc 4:35 Sáng

      Em ạ, có được một đứa con biết nghịch ngợm là một sự may mắn, rất may mắn của những người làm cha mẹ. Rồi em sẽ hiểu, khi nhiều người chỉ mong có một đứa con, và nhiều người khác chỉ mong có những đứa con bình thường. Bình thường, tức là có đủ tính cách đặc trưng của một đứa trẻ. Thấy được sự may mắn đó thì ông bố bà mẹ nào cũng sẽ là bố mẹ tốt 🙂

      Cảm ơn em mới phải chứ, em và nhiều người đã làm cho chị dẹp bỏ suy nghĩ ích kỷ là không muốn người khác đọc được suy nghĩ của mình, để cứ viết (dù linh tinh lăng nhăng, đôi khi chả ra đâu vào đâu).

  5. littlechef 01/07/2011 lúc 8:29 Chiều

    Bài viết hay và ý nghĩa quá chị Rùa ơi!!
    Yêu chị Rùa nhiều nhiều :’*

  6. Nguyen 01/07/2011 lúc 6:43 Chiều

    Bai viet qua hay! Doc duoc tu hom qua nhung van suy nghi mai, qua 1 dem roi moi suy ngam ra va cam nhan duoc. Nha minh co 4 nguoi nhung bo.n ho. deu la nguoi kha’c phai’, nho nhat thi 3 tuoi roi den 7 tuoi, cho nen lau nay, minh van thay rat phien vi su vo^ tu* va khong ho*.p ta’c trong rat nhieu viec. Bay gio thi moi hieu va nha^.n ra duoc do la Nhung Manh Ghep lam nen nhung buc hinh tro`n tria. Cam on KT nhieu lam.

    • Khai Tâm 02/07/2011 lúc 4:27 Sáng

      Bác ơi, ai cũng tròn rồi thì chẳng có ai bổ sung được cho nhau nữa, ai nấy lăn như bi mỗi người mỗi hướng 😉

  7. Yotsuba 01/07/2011 lúc 6:15 Chiều

    Em rất thích những câu chuyện nhỏ về gia đình Rùa và cách nhìn của chị về mọi thứ xung quanh. Rất cảm động. Chúc cả gia đình chị Rùa hạnh phúc và sức khỏe.

  8. Simple 01/07/2011 lúc 2:28 Chiều

    Gửi chị Khai Tâm, em đã ra vào bếp Rùa được một thời gian, luôn rất ấn tượng bởi những bài viết ấm áp, thân thương về gia đình của chị. Các công thức làm bánh, nấu ăn luôn rõ ràng, rành mạch. Em thấy trong chị là một người rất tình cảm, lãng mạn, tràn đầy yêu thương, hài hước và làm việc cũng rất khoa học nữa. Chị cho em gia nhập fan club của bếp Rùa nhé. Cảm ơn chị về những chia sẻ trên bếp Rùa. Chúc bếp Rùa luôn đỏ lửa yêu thương và chúc gia đình chị luôn hạnh phúc!

    • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 5:07 Chiều

      Chỉ với vài dòng chữ, vài bài viết mà em thấy được nhiều thứ tốt đẹp đến thế cơ à? 😛

      Cảm ơn em, người bạn mới.

      • Simple 02/07/2011 lúc 4:27 Sáng

        Dạ, không chỉ có “thấy” mà đúng ra là em còn cảm nhận được nữa chị ạ. Bếp Rùa có sức cuốn hút lớn nhờ những cuộc “trò chuyện” nhẹ nhàng, tình cảm, những công thức ngon và trên cả là tình yêu thương mà bếp chứa đựng!

  9. Quỳnh Trang 01/07/2011 lúc 11:42 Sáng

    Xem và nghe cách chị dạy con, em rất khâm phục chị. Nhiều lúc muốn thử làm theo cách của chị, muốn học chị trong việc dạy con, giáo dục con, nhưng mà sao em vẫn thấy khó quá. Con trai em hôm nay được tròn 2 tuổi rưỡi, nhưng rất nghịch ngợm, rất thông minh, rất cá tính và rất nhớ dai. Nhiều lúc em cảm giác như con em đang dạy em vậy. Nó tuy bé nhưng rất tính cách và thêm chút “gia trưởng khó bảo” giống ông Ngoại. Chẳng hiểu có phải vì em luôn ao ước có một cô con gái nhưng lại thay vào đó là một cậu con trai hay không mà nhiều lúc thấy bất lực quá. Đã chả bảo được con nghe theo lời mình thì chớ. Đằng này suốt ngày em bị con chỉ đạo, bắt phải làm thế này và không được làm thế kia. Nhiều lúc mệt quá chỉ ước sao trường Mầm non người ta nhận dạy cả thứ Bảy và Chủ nhật nữa. Nhưng những lúc nó nghe lời bố mẹ, nhí nhảnh bắt chước siêu nhân Gao thì em lại thấy sao mà nó đáng yêu thế. Những lúc bất lực với con, em lại tự nhủ là chắc tại con chị KT lớn rồi nên nó ngoan hơn và hiền hơn, con mình vài năm nữa chắc sẽ dễ bảo hơn. Hi vọng như thế mà chả biết có được như thế nữa không chị ah.

    • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 12:15 Chiều

      Mỗi một đứa trẻ là một cá thể có tính cách và bản năng riêng, chẳng có đứa nào hành động giống đứa nào, nhưng chúng đều có một điểm chung như em nói: nghịch ngợm, thông minh, cá tính, nhớ dai. Đó chính là đặc điểm tâm sinh lý của trẻ nhỏ khi năng lực tiếp thu cũng như khao khát học hỏi những điều xung quanh của chúng mạnh nhất vào lứa tuổi này. Đứa bé nào cũng trải qua, chẳng thế mà có cụm từ “khủng hoảng tâm lý trẻ con tuổi lên 3” dành cho lũ trẻ độ tuổi 2-4 không phân biệt con trai con gái, mà ở đây chị nghĩ nhân vật bị khủng hoảng chính là cha mẹ chứ không phải bọn trẻ đâu.

      Chị không phải chuyên gia dạy trẻ con, cũng không biết về tâm lý nhiều, tuy nhiên nuôi dạy qua 2 đứa trẻ với những tính cách, sở thích riêng, chị cũng có một chút kinh nghiệm nho nhỏ. Nhưng nếu ai hỏi chị kinh nghiệm để áp dụng với con mình thì chị nghĩ là sẽ không tìm được phương pháp hoàn hảo. Bởi một lẽ như trên, không đứa trẻ nào giống nhau. Nếu có sách dạy con, thì có lẽ nó sẽ chỉ được viết một cách tốt nhất bởi những người mẹ, và nó cũng lại chỉ áp dụng tốt nhất đối với chính đứa trẻ đó (mà tiếc thay, khi đó đứa trẻ đã đủ lớn để không cần dùng đến những thứ mẹ chúng viết trong sách). Thế nên để dạy con, chẳng phải ông bà, không phải thầy cô mà chính là cha mẹ, hai người gần gũi và hiểu chúng nhất. Biết con mình mạnh điểm nào, yếu điểm nào để tuỳ theo đó mà có hướng cho phù hợp.

  10. adiros 01/07/2011 lúc 10:22 Sáng

    Em thích câu cuối của chị quá 😡 . Một tấm gương về gia đình hạnh phúc để em vươn tới ^^

    • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 12:20 Chiều

      Nó là một quá trình dài và cần nhiều đến sự kiên nhẫn. Chúc em đạt được mục đích, và cũng tự chúc mình được dai sức 🙂

  11. Đan Anh 01/07/2011 lúc 9:59 Sáng

    Câu cuối cùng của Rùa làm mình suy nghĩ quá. Từ hôm qua đến giờ cứ trăn trở mãi để con có thể tự lực được, ko cần dựa vào bố mẹ, có thể chủ động được mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở, giục giã. Bé Mi nhà mình năm nay lên lớp 2, làm gì bố mẹ cũng phải nhắc nhở, từ sinh hoạt cho đến học hành, có khi phải quát lên thì con mới có phản ứng. Chắc có vấn đề trong cách giáo dục của cha mẹ. Cũng biết đó là một trong những mảnh ghép, nhưng mình cũng luôn hy vọng mảnh ghép đó được nguyên vẹn không sứt mẻ. Hà Nội hôm nay trời se lạnh, cảm giác thấy buồn.
    Cám ơn về Những mảnh ghép để mình có thể chia sẻ. Cám ơn Rùa.

    • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 12:28 Chiều

      Làm sao kết quả lại có thể đến một cách dễ dàng bác ơi? Khi việc nuôi dạy con cũng như trồng và chăm sóc một cái cây từ quá trình gieo hạt… Chúng mình hồi bé cũng thế mà bây giờ đòi hỏi ở con nhiều quá 🙂 Mi chắc cũng chỉ kém TT vài tháng tuổi (vì ở đây nhập học tháng 4 nên con gái vào lớp mới muộn hơn so với các bạn đúng nửa năm), có lẽ phát triển tâm sinh lý như nhau. Chúng hay quên, lơ đễnh, và hay để mẹ phải nhắc, đôi khi phải quát mắng. Nhưng em cũng đang “tận hưởng” những mốc thời gian này đây, vì chỉ vài năm nữa, chúng nó lại ngoan quá, chẳng cần đến mình quan tâm đến những việc lặt vặt nhỏ nhặt nữa, chắc lại buồn 😉
      Không có gì đâu bác, mẹ cứ là người bạn thân của con, để từng bước con đi đều có mẹ đi cùng. Mọi chuyện đều sẽ qua.

      • Đan Anh 01/07/2011 lúc 12:48 Chiều

        Cám ơn Rùa. Mi (Hải Anh) sinh 20.11.2004, sinh cuối năm nên cũng tồ tẹt hơn các bạn. Mọi người cũng hay an ủi mình con đầu nên cũng chậm hơn, muốn tìm cách nào đó để con không bị có khoảng cách xa với các bạn nhưng khó quá. Ko biết TT thế nào, Mi sống đơn giản và vô tư lắm, ko phấn đấu, ko bon chen, cũng có cái hay. Không làm lớp trưởng nữa, ko vấn đề. Thi vào lớp chọn đõ hay không cũng ko vấn đề. Đc hay không được đêìu gì đó cũng chả sao. Đơn giản là được nhảy múa, ca hát. Có lẽ mình yêu cầu quá cao với con, cũng muốn con có tuổi thơ nhưng nhiều lúc chính bố mẹ bắt con bon chen với cuộc sống. Cũng đành xuôi theo tự nhiên vậy.

        • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 12:54 Chiều

          À đấy, người lớn mình hay than vãn “cuộc sống có quá nhiều áp lực, mệt mỏi quá” nhưng chính mình lại là người tạo áp lực cho con và rốt cuộc là cả người lớn lẫn người bé đều không được vui vẻ.

  12. monkey 01/07/2011 lúc 9:25 Sáng

    chị ơi, bài hay và ý nghĩa quá. Chị hẳn là người rất sâu sắc và không kém phần lãng mạn. Những bài viết của chị luôn ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa. Em rất khâm phục chị. Qua bài này thấy thích luôn cả cái cách giáo dục của người Nhật nữa. Các con cũng phải học và làm nữa. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chứ không như ở nhà, cách giáo dục nhiều khi biến các con thành …gà công nghiệp quá!

    • Khai Tâm 01/07/2011 lúc 12:30 Chiều

      Cảm ơn em, viết ra có người đọc là quý rồi 🙂 Giáo dục thì nơi đâu cũng có điều hay điều dở, làm bố mẹ thì “nhiệm vụ” chính là điều chỉnh cho phù hợp với con mình thôi, không nên dồn hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo.

Gửi phản hồi cho Khai Tâm Hủy trả lời