Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Nhà có nhiều trẻ con

Hôm nay thứ Ba, có chợ Nông Dân.

Buổi tối hôm trước, cậu Chuối email tâm sự có đính kèm theo chữ “chợ nông dân”, và thế là kế hoạch cho LL đi chợ đã loé sáng. Hihihi… dạo này cuộc sống của Rùa mẹ nhiều thêm những niềm hạnh phúc, nó cứ lấp lánh lấp lánh suốt, trọn một ngày.  Nó sáng lên lúc con ăn xong và say ngủ, mỉm cười trong mơ. Nó sáng lên cả lúc con đang làm mình làm mẩy quấy khóc gắt ngủ hay đòi ăn.  Lạ, cái lạ mà mình đã tâm sự với không ít người: Không những thích ngắm con cười, mình sung sướng ngay cả khi chúng khóc!

Thật, vì khoảnh khắc ấy có bao giờ quay trở lại khi chúng đã trưởng thành.  Khi lớn khôn, những giọt nước mắt thường là thể hiện tận cùng của cảm xúc, và sẽ hiếm hoi lắm, hiếm hơn hẳn so với những nụ cười. Vì thế, mình có lý do biện minh cho việc thích chọc cho con khóc 😉

Có kẻ có sở thích giật kính của mẹ. Mỗi khi cáu kỉnh đòi ăn là tay sẽ khua loạn lên, vớ được cái gì là nắm và giật!

Nhà mới có LL, mẹ ít nướng bánh hơn.  Nhân ngày mưa gió bão bùng, bếp mới lại có mẻ bánh táo (puff pastry nhân táo).  Mùi đường quế hoà quện mùi bơ, vị táo chua nhẹ xen lẫn vị quế, cảm giác vỏ bánh giòn bên cạnh nhân táo sần sật.  Ngày mưa có đĩa bánh quế, nhà ấm hẳn (dù vẫn phải bật điều hoà).

Nhà có thêm Lạc, thêm vui, cả một nhà trẻ con vì kể cả rùa bố lẫn rùa mẹ (cả cô D. nữa) cũng thành những đứa trẻ.  Vì đứa trẻ nào cũng thích búp bê, thích những thứ nhỏ nhỏ (và rất xinh) nên có LL trong nhà, ai cũng sống lại phần trẻ con trong người.

“Đạo sỹ thối” là cái biệt danh của LL xuất phát từ chiếc áo mặc trong bệnh viện. Áo màu trắng, thân và tay dài (để khỏi mặc quần), ống tay rộng, quả thực là giống đạo sỹ 😛  Còn vụ “mùi” gắn sau là do “đạo sỹ” có 2 ngày không có sản phầm đầu ra, là đề tài của cả nhà bất kể thời điểm nào trong ngày. Bố mẹ và cô D. bàn tán đã đành, ngay cả hai chị, sau khi đi học về, bữa cơm cũng nhắc!  Mẹ phải cảnh cáo “Giờ cơm không nhắc đến chuyện táo bón.  Không táo với lê gì hết nhé!”  Sau khi thăm bác sỹ, mọi việc trở lại bình thường, vài ngày sau em có cái tên mới “Lạc Ringo” (Lạc… táo).

“Trẻ con” lớn nhất: Bố đi làm về, việc đầu tiên sau khi bước vào nhà, rửa tay là bế em, xem “nó” đang làm gì.  Nếu gặp bữa ăn thì đương nhiên bố giành cho ăn, cho em ợ hơi – và kết thúc bằng việc giao trả lại cho mẹ với thái độ đương đương tự đắc, ra cái vẻ là bố đã cho con ăn xong, hết sạch và rất nhanh!  Sau đó là màn bố nằm võng con nằm trên ngực, hai “đứa” ngủ. Nếu mà thức thì sẽ có những cuộc đối thoại đầy khiêu khích. Một trong số đó, vào thời điểm các vết mổ của mẹ chưa lành, khi cười rất đau mà phải nhịn cười thì thực khó khăn:

Hai bố con nằm võng thủ thỉ với nhau, bố ôm con cố tình nói to để mẹ nghe thấy: “Mình như thế này mà mẹ mình dám nhận là con gái mẹ? Con gái bố chứ nhỉ? Mũi mình thì cao, mắt mình thì không như cái đèn pha kia, tóc mình thì đen và dày không như đứa nào đẻ ra trọc lốc, mặt mình thì đầy lông, chân tay mình thì ngắn tũn và bé tí teo thế này. Mình là con bố nhỉ?”

(gõ lại nguyên văn ngay sau khi lời nói lọt vào tai, phải làm chuyện gì đó để phân tâm)

LL còn bé, khi nằm vẫn đắp khăn ngang người, che cái chân nữa.  Ấy thế mà khi thì bố nhìn em ra cái nem cuốn, khi khác mẹ lại nhìn em thành chiếc kem ốc quế.  Toàn là món ăn ngon cả, chẳng ai kiềm chế được, phải xông vào (đúng là xông vào, rất bạo lực) để thơm lấy thơm để cái má đầy những lông tơ như hai má quả đào.

Một “trẻ con” khác là cô D.  Có nhiều cháu rồi, nhưng LL là đứa đầu tiên cô được vinh dự thay tã và rửa bình sữa, chuẩn bị nước tắm cho (chưa kể bao nhiêu việc có tên và không tên khác trong nhà nữa).  Mà hình như cô D. thích thay tã, lúc nào tã sạch là… nhớ, thắc mắc sao đạo sỹ thối chưa phải thay tã.  Cô D. thích thơm LL, nhưng lúc nào mẹ giở thói khen LL là cô D. lại giở giọng tỉnh bơ “bình thường”.  “Bình thường” cũng được, mỗi lần thơm 1 cái là bỏ vào lon 500Y, và có kẻ đi chơi có một ngày nhưng đã phải gọi điện về đòi nói chuyện với LL (nói gì đây???) mấy lần.  Bình thường!  Vì bố đi có việc ra khỏi thành phố có già nửa ngày đã phải gọi về đòi nghe tiếng em khóc.

Và LL cũng chẳng tỏ vẻ kiêu ngạo như những ngôi sao khác 😉  mặc dù ai trong nhà cũng hâm mộ em quá đỗi.  Giờ ngủ, con cứ ngủ, mặc kệ ai vần vò chán chê phải bỏ đi chỗ khác.

Hai chị “trẻ con” thích bế bồng, thích cho em ăn, và thích thơm, bất kể giờ giấc, bất kể em ngủ hay thức và miệng mồm các chị sạch hay dơ. “Và ta không cần biết, và ta không cần thiết, ta quyết chí ta thơm”.  Em có giỏi thì cứ ngủ đi, nhưng mà ọ ẹ là các chị sẽ chạy ra đứng nhìn thẳng vào mặt em và gọi hỏi, nói chuyện, đến khi nào thức dậy thì thôi (hoặc bố mẹ phải đàn áp tránh xa cái nôi của em ra!).  Trong khi DD thích thơm em và gõ đàn cho em nghe thì TT lại có sở thích ngồi gấp tã bỉm “đã qua sử dụng” 😉 Những chiếc tã nặng được chị gấp lại như món quà được gói trong lá của… Totoro!  Chị thích như thế.

Câu chuyện của các chị kể lại cho cô giáo và bạn bè nghe về kỳ nghỉ hè, chẳng có gì ngoài việc Mẹ và Em.  Chị có bài phát biểu trước toàn trường khi vào học kỳ mới, đến 2/3 bài phát biểu có liên quan đến Em.

Hôm nay LL được đi chợ thật, định là thế, nhưng ra khỏi nhà đã hơn 10h sáng nên rốt cuộc là không mua được gì từ chợ cả, kể cả đậu.  Bù lại, em đi xe điện lòng vòng khắp  nơi, đi chợ mua rau, vô khối thứ nữa và… kẹo.

Nhớ cái cửa hàng kẹo có giàn xoay không nhỉ?  Cô D. có âm mưu tố cáo “mẹ bỏ con chạy theo rổ kẹo”. Kẹo caramel vị cà phê… ngon mà? 😛 Em đi chợ không có đậu mang về cho bố nhưng có kẹo cho mẹ. Kể ra cũng là một “thắng lợi” đáng kể!

(Ngày mai thứ Tư, bài về nguyên liệu vẫn đang được bè lũ 4 tên bàn thảo và chưa đi đến thống nhất. Do vậy có thể trễ hẹn.)

41 responses to “Nhà có nhiều trẻ con

  1. nga dinhova 28/11/2011 lúc 11:04 Chiều

    doc bai cua KT xong mihn cu obi hoi, nho den tre con nha minh, chi muon buong ngay cv, chay ve nha de nghe tieng couoi tieng khoc cua bon tre! Tks KT lam mihn thay tieng khoc va nhugn tro nghich ngom cua tre con dang yeu hon…:-))

Bình luận về bài viết này