
Mùng 7 Tết, những tưởng hết Tết rồi, ai ngờ các bạn trong bếp trên group FB vẫn theo phương châm “còn mùng còn Tết”, nhớ Bà thèm chè Con Ong hoặc là thèm chè Con Ong thành ra nhớ Bà 😉 nên giục giã công thức. Mẹ Dùa lại cứ nghĩ là đã viết lại công thức rồi, ai dè bị phát hiện ra rằng chưa. Thế nên xuôi theo chiều ăn Tết của các bạn, mấy lạng gạo đã được ngâm từ tối hôm qua, để chuẩn bị cho công thức sáng hôm nay chúng ta cùng ăn Tết tiếp.
Công thức này là quà mừng tuổi đầu năm đến bạn bè gần xa yêu mến bếp Rùa. Vẫn còn ăn Tết, tức là gia đình chúng tôi vẫn nhận lì xì 😉
Chè Con Ong
Nguyên liệu: (1 đĩa lớn hoặc 2 đĩa cỡ vừa)
– 300g gạo nếp
– 10g muối
– 100g gừng già
– 100ml nước
– 120g mật mía/đường thẻ/đường mật ( mình dùng đường thẻ bánh trôi vì có một gói dùng dở đang chuẩn bị chảy nước đến nơi – Mật hay đường càng đậm màu thì màu chè càng đậm và ngược lại)
– 60g mật ong
– 20g vừng rang
– 3g muối tinh
– 1 muỗng dầu ăn (tráng lòng đĩa)
Cách làm:
1. Vo gạo nếp thật sạch, đổ nước và 10g muối, ngâm vài giờ hoặc qua đêm. (Bỏ qua túi lá khúc bên cạnh nhé, cái đó không liên quan đến lĩnh vực chè con ong)

2. Chuẩn bị sẵn mật mía/đường, mật ong, gừng.

3. Đồ xôi chín tới (hạt gạo mềm nhưng vẫn nguyên hạt, không nát, hơi khô một chút cũng được)
4. Gừng cạo vỏ, giã hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước. Dùng 100ml nước nhồi bã gừng, vắt tiếp cho ra hết nước cốt gừng.

5. Bắc chảo chống dính lên bếp. Cho nước cốt gừng, đường/mật mía, mật ong và muối vào chảo, vừa đun vừa khuấy cho tan đường.

6. Sau khi đường tan hết thì đổ xôi vào, dùng đũa/thìa gỗ đảo nhẹ cho xôi thấm đều nước đường.

7. Sau vài phút, nước dần cạn, lúc này mình có thể tắt bếp đi làm việc khác.

(Việc khác, ví dụ như đi ăn sáng chẳng hạn, vài lát bánh mỳ mật ong nguyên cám và bơ lạnh cũng được)
8. (Sau khi ăn xong bữa sáng) Bật bếp lửa vừa, đảo đều, cho đến khi những hạt xôi dẻo, ngấm đường, không dính đáy chảo.

9. Như thế là đã gần xong. Chuẩn bị đĩa, vừng đã rang chín. Đeo găng tay nylon và thoa dầu ăn vào lòng đĩa và găng tay nylon. Đổ chè ra đĩa, dùng tay ấn nhẹ lên bề mặt, vun lại cho gọn gàng.
10. Theo như những nhà Chè Con Ong học(*) thì để đảm bảo tính thẩm mỹ, lượng vừng rắc lên bề mặt đĩa chè không nên quá 1/2 đường kính và rắc lên phần trung tâm của đĩa chè.
11. Đợi chè nguội, cắt dùng thôi. Chúc ngon miệng.
—
(*) Đùa đấy. Thực tế là chẳng có cái gì gọi là “nhà Chè Con Ong học” nên nếu ai đó có rắc vừng kín đĩa hay theo phong cách tung toé thì cũng chẳng có làm sao cả.
Like this:
Số lượt thích Đang tải...
Comments