Tiếp tục chủ đề liên quan đến bánh mỳ, món thường trực trong gia đình nhà Rùa, hôm nay có thêm DD được mẹ gợi ý phụ giúp tạo hình bánh mỳ, để giúp bạn bè trong bếp hiểu thêm cách tạo hình baguette.
(công thức thì từ từ đã nhé, mọi người cứ đòi bếp trưởng 😉 )
Trả lời thắc mắc của nhiều người: Có nên dùng dầu ăn khi nhồi bột để đỡ dính tay không?
Còn tùy loại, nhưng với bánh mỳ sourdough hay bánh mỳ vỏ giòn nói chung (không có nguyên liệu là chất béo), nó tạo cảm giác “giả” là khối bột của mình đã được nhồi đạt yêu cầu, trong khi thực tế có thể chưa. Vậy nên không có gì ngoài bột áo nhé.
Bột sau khi ủ lần một.

Đấm nhẹ (thôi, mạnh cũng được) loại bỏ bọt khí. Úp mặt nhẵn nhụi xinh đẹp xuống mặt bàn.

Dàn bột bằng tay, dùng mắt chia miếng bột thành 3 phần theo chiều ngang mắt. Gấp một mép bột vào phía trong như hình dưới đây. Dùng 4 đầu ngón tay khép lại để ấn mép bột.

Tiếp tục cuộn thêm một lần từ ngoài vào trong, dính mép bột bằng đầu ngón tay như bước trên.

Thêm một lần nữa.

Chỉ dùng đầu ngón tay thôi chưa đủ làm mép bột dính chắc với nhau. Mình cần dùng lòng bàn tay giáp với cổ tay để ấn xuống mép bột. Tay trái giữ nhẹ khối bột, tay phải ấn xuống theo hướng gần như vuông góc với bàn. Đừng có đập cả bàn tay bẹt bẹt bẹt xuống khúc bột. Chúng mình không muốn làm thế.

Nghiêng cận cảnh.

Sau đó thì vê bột bằng hai tay. Đặt bàn tay ở khoảng giữa, vừa vê vừa di chuyển tay về phía hai đầu của bột. Tóm lại là làm sao biến bột từ ngắn thành dài.

Đặt khúc bột đã hoàn thành lên vải ủ hoặc khuôn baguette. Gấp nếp tạo form.

Trời nóng chỉ cần ủ khoảng 40-45 phút thôi, nhưng hôm nay vì bận việc khác nên mình ủ quá mất khoảng 5 phút. Có “hậu quả” ngay, nhưng may mắn vì không nghiêm trọng lắm 😉

Đặt bột đã ủ lên khay nướng. Lò đã được làm nóng ở nhiệt độ 200 độ C. Lúc này bột nở phồng, có nhiều bọt khí bên trong nên cảm giác mềm (nhưng không dính). Cần phải cẩn thận dùng một cái thớt nhựa mỏng hoặc miếng gỗ, lăn bột lên, di chuyển đặt xuống khay nướng. Chú ý đặt phần mép bột xuống dưới, cũng như lúc ủ lần 2 sau khi tạo hình xong. Hậu quả của việc ủ quá 5-10 phút là bột nở hơi quá.

Dùng dao lam rạch bột, cầm dao nghiêng khoảng 30 độ, tương đối thôi không cần phải chuẩn bị sẵn ê-ke đâu, rạch đường chéo dài. Ủ bột quá độ thì vết rạch sẽ càng khó đẹp.

Đưa khay vào lò, ném đá vụn xuống sàn lò. Đậy cửa lò, nướng khoảng 7-10 phút.

* Sử dụng đá vụn dễ thao tác hơn việc vừa lấy khay nướng ra, vừa cầm bình nước sôi rót vào. Mình cũng dễ nắm được lượng nước đưa vào lò.
Sau 10 phút, vỏ bánh đã dần vàng. Xoay bánh từ trong ra ngoài. Bước này làm nhanh tay nhé (tránh thất thoát nhiệt).

Giảm nhiệt độ xuống còn 190 độ C, nướng tiếp 10 phút nữa.

Ta.a…da, tác phẩm của cô Ba đã hoàn thành!

Khác với cách nướng ổ bánh lớn của hôm qua, dù hôm nay baguette cũng gần như cùng loại bột nhưng chúng mình chỉ phun sương và thả đá xuống sàn lò một lần, ngay từ khi bắt đầu nướng. Lý do bởi bánh nhỏ nên sau 7-10 phút đã xém vàng rồi. Nguyên tắc là khi bánh đã bắt đầu vàng thì không xịt nước nữa. Giảm nhiệt độ, nướng tiếp 10 phút nữa là xong rồi. Ở trên mình có nhắc đến việc bột bị ủ quá thời gian. Vết rạch đầu tiên không được tốt lắm nên độ bung kém hơn hai vết còn lại.

Tường thuật tại hiện trường: “Mặt cắt của bánh. Cắt xong mới phát hiện ra mục đích của chiếc bánh này được sinh ra là để làm bánh mỳ kẹp. Xong nó lại bị cắt luôn một đầu đi. Thật là…” 😀
Cận cảnh.

DD đang nhào mẻ bột tiếp theo cho tối nay. Các bác, cô chú đã sẵn sàng làm bài tập chưa nào? 😀
Like this:
Số lượt thích Đang tải...
Comments