Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2009

Cảm ơn 2009 – Đón chào năm mới 2010!!!

2009 gần qua, 2010 đã ở đầu ngõ.

Cùng chúc nhau một năm mới an hòa, người người ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

Cảm ơn tất cả vì một năm đầy thú vị.  Hẹn gặp lại trong năm mới! 🙂 🙂 🙂

Bánh quy chocolate kẹp kem

Con gái út hỏi mẹ có làm một loại bánh kẹp có kem cho con ăn không?  Mẹ bận với các việc cuối năm, chưa kịp từ chối, nó hỏi “Mẹ có biết thế nào là Mẹ ngoan không?”.  Mời các con đi ngủ trưa, để mẹ tự vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình đã đủ ngoan chưa…

Buổi tối, mẻ bột được mang ra cán.  Mẹ nhắc lại câu hỏi, “Thế nào là mẹ NGOAN?” Em bé chẳng cần suy nghĩ trả lời  “Mẹ ngoan rồi!” Chị lớn tiếp lời “Đây không phải là ngoan mà là quá ngoan!”  Kể ra, đạt được đủ tiêu chí “Mẹ Ngoan” do các con đề ra, ngoài việc tốn một đống bơ, một đống đường, một đống bột, một đống cocoa, thì tốn cả một đống cái gọi là thời gian nữa.  Tất nhiên, không quên tiền điện, nhưng cái này mẹ không phải quan tâm nhiều (bố lo).

Công thức: (25-30 chiếc bánh kẹp)

Nguyên liệu:

– 140g bơ

– 200g đường

– 1 trứng

– 160g bột mỳ đa dụng

– 3g baking soda

– 2g bột nổi/bột nở

– 60g Dutch processed cocoa

(có thể dùng cocoa thường, loại nguyên chất không đường dùng khi làm bánh tuy nhiên chất lượng sẽ kém ngon hơn)

– 1 nhúm muối


Cách làm:

Bột mỳ + cocoa + bột nổi  + baking soda + muối trộn đều.

Bơ để mềm, dùng máy đánh với đường cho đến khi thành hỗn hợp đồng nhất, không đánh bông.  Cho trứng đánh tan.  Cho hỗn hợp bột đã trộn đều vào hỗn hợp bơ.  Từ công đoạn này không dùng máy đánh trứng nữa.  Dùng tay nhào bột cho thành một khối.

Nếu muốn cán và cắt thành hình thì gói kín bột, cho vào ngăn mát khoảng 1h.  Khi bột cứng lại thì cán và cắt bánh sử dụng cutters.

Nếu đơn giản muốn làm bánh tròn, múc từng muỗng bột đều nhau (có thể dùng muỗng múc kem để kích thước viên bột được đều.  Vo tròn, ấn dẹt đặt lên khay nướng.

Vặn lò làm nóng trước ở nhiệt độ 180 độ C, cho bánh vào nướng 8-10′ tùy kích cỡ.  Nếu muốn bánh thật giòn, nướng hết mẻ bột, sau đó xếp bánh trở lại khay, nướng tiếp nhiệt độ 110-120 độ C trong thời gian 20-30′.

Bánh đã chín, để nguội.  Từng cặp từng cặp được ghép lại với nhau.  Để đó đã, sáng mai làm nhân kem…

Ăn sáng xong mẹ đánh kem

Công thức nhân kem:

Nguyên liệu:

– 100g bơ (bơ càng ngon thì có màu càng nhạt)

– 50g shortening

– 160g đường bột (lưu ý nếu giảm đường thì kem sẽ mềm vì độ đặc của kem ở công thức này duy nhất phụ thuộc vào lượng đường)

– 1 nhúm muối

– 1 chút vani (dùng màu trắng trong hoặc đường bột vani thì kem sẽ có màu trắng tinh)

Cách làm:

Bơ và shortening đánh bông, cho muối và vani.  Cho từ từ đường và đánh tan đều, kem sẽ dần đặc lại.

Bỏ kem vào túi, phun kem lên một chiếc bánh

Chồng chiếc thứ hai lên trên.  Kết quả là có một chiếc bánh quy chocolate kẹp kem

Và rất nhiều bánh chocolate kẹp kem.  Có cả mấy con gà nhép và mấy con rùa có tên cả nhà…

Nhưng trái tim thì chỉ có một

Một hộp bánh 15 + 1 chiếc được đựng trong hộp cẩn thận dành cho ngày 1 Tết dương lịch…

Sau cùng thì mẹ đã hiểu, “Mẹ ngoan” là như thế nào.

Chợ nông dân cuối năm

Bên ngoài không có không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, mọi thứ diễn ra bình lặng… gần giống mọi ngày, mọi buổi chợ khác. Nhưng hôm nay bắt đầu kỳ nghỉ Tết.  Tết Dương lịch, kỳ nghỉ Tết duy nhất trong năm, vì ở đây không mừng “Tết Nguyên Đán”. Cả nhà được nghỉ, ồn ào náo nhiệt.  Trong lòng mẹ có một chút rộn ràng trước buổi chợ nông dân cuối cùng của năm 2009.  Một năm với trên 40 lần đi chợ ở cùng một con phố!

Ba bố con còn nằm trong chăn, mẹ dậy đi sớm (nói sớm cho oai chứ không phải tần tảo gì, đã hơn 8h sáng rồi – nhưng là ngày nghỉ, nên 10h vẫn hãy còn là sớm lắm!).  Ra đến chợ chưa đến 8h30, tất nhiên là chuẩn bị tinh thần đứng xem các bác dọn hàng.

Bên dãy thùng hoa tươi đã có các bà các mẹ chờ sẵn.  He hé những nụ, những quả đỏ, những cành hải đường, hoa trà, cành thông xanh, lá dương xỉ xếp ngay ngắn…  Hoa chưa được xếp xuống hết từ xe chở hàng, ấy thế mà đã vợi đi khá nhiều.

Mấy cành đào vàng, cành quất tươi, bó thủy tiên,… thế là chặt một vòng tay ôm.  Chẳng có tay nào mà chụp ảnh chợ được nữa.  Nhớ đến ở nhà có ba bố con đang chờ mẹ về ăn sáng, lại vội vã về nhà với giỏ đầy những hoa và rau trái…

Có cà rốt, cần tỏi tây, mấy túi quýt già ram rám vỏ, mấy túi hồng giòn, bó cải muối dưa, bó cải cúc nấu mỳ…

Bó cà rốt còn nguyên lá tươi rói…

30′ sau vào rổ nhân nem 😛  Gói nem trong khi luộc bún…

10′ sau nữa có mặt trên bàn ăn với hình hài khác.

Cả nhà ăn bữa sáng muộn.  Và mẹ lại quay lại với hoa.

Thủy tiên dịu dàng, thơm cả một góc phòng.  Tức quá, hoa thì thấy có bán, mà củ giống lại không.  Giá mà có củ để gọt rồi trồng, Tết có bát hoa thủy tiên thì hay biết mấy…

Ba cành đào vàng thật đẹp, nụ nhiều.  Những bông đã nở thì cánh thật mỏng manh…

Trong nắng mùa đông

Nhà còn một rổ quất rời vẫn còn ở ngoài sân vì có vài quả chưa chín hết. Chưa làm gì với chúng, nay lại thấy quất cành thật tươi. Mua một cành về.  Vặt một quả, chẳng thấy chua mấy mà cái vỏ dày, cùi dày ngọt ngọt the the.  Ngồi một lúc nhìn lại trụi cả một khoảng 😀

Thế đấy, mùa xuân như đã gần về…

Thịt kho củ cải – Cải xào tỏi – Canh gà nấm hương ninh khoai sọ

Xôi Lạc (và xôi đỗ xanh)

Xôi lạc

Một buổi sáng mùa đông, cuối tuần.  Cả nhà thức dậy muộn, chỉ có mình mẹ dậy đặt nồi xôi sớm.

Đêm qua ngâm gạo và ít lạc nhân. Tính đủ tỷ lệ gạo:lạc (tất nhiên “đủ” ở đây có nghĩa là hơi nhiều lạc, vì bố mẹ thích lạc trong xôi) xong xuôi, chợt nhớ ra hai đứa trẻ thích xôi đỗ hơn nên ngâm thêm nắm đỗ.  Thế là vừa có cả hai loại xôi.  Tuy nhiên do không ngâm thêm gạo nên sẽ phải lấy gạo từ phần xôi lạc.

Kết quả là sáng hôm nay, nhà mình có Lạc Xôi (vì Lạc là chính xôi là phụ) và Xôi đỗ xanh.  Nhớ lại chuyện thi cử, bố mẹ ông bà kiêng cho con cháu đi thi ăn xôi lạc, xôi đỗ đen và chuối vì sợ làm bài lạc đề, đen đủi và … trượt vỏ chuối.  Suy từ đó ra, bốn “thí sinh” nhà rùa, nếu có thi hôm nay, thì sẽ lạc đề nhưng vẫn đỗ.  Hihihi… chắc may mắn.

Các món xôi, từ xôi đỗ, xôi lạc, xôi vừng,… đều được sử dụng “năm quân”, tức là dùng tay sạch để ăn.   Từng miếng xôi được nắm lại như quả trứng gà nhỏ xíu, nhỏ như trứng cút cho những đứa trẻ lên ba.  Vừa nắm vừa ăn, chấm một chút muối vừng và cảm nhận được đầy đủ tinh túy của trời đất.  À đúng, chỉ còn thiếu mùi lá sen gói xôi thôi!

Công thức:

Nguyên liệu:

– 600g gạo nếp

– 200g lạc nhân (sống)/đậu phộng

– muối

Muối vừng:

– 50g vừng rang chín

– 1 chút muối

Cách nấu:

Gạo nếp vo sạch, ngâm nước qua đếm với một chút muối.

Lạc ngâm vài giờ, đổ bỏ nước ngâm lạc, cho nước sạch vào luộc chín mềm với một chút muối.  Khi lạc chín, đổ ra rổ xối nước lạnh.

Vớt gạo để ráo nước.  Trộn lẫn lạc và gạo.  Đổ vào chõ đồ (hấp) đến khi gạo chín thành xôi.

Cách làm muối vừng: Vừng và muối cho vào cối giã nhỏ.  Có thể dùng máy xay sinh tố xay nhỏ.

Để nấu xôi đỗ chung một lần, có thể bớt lại một phần gạo khi trộn với lạc, dùng phần gạo đó để trộn với đỗ xanh đã ngâm mềm.  Sau khi đổ phần gạo + lạc thì vun sang một bên, đổ phần gạo + đỗ về một phía.  Cả hai loại xôi sẽ chín gần như cùng một lúc.  Thế là ta có cả hai loại trong cùng một bữa, cho khẩu vị và sở thích khác nhau.