Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Daily Archives: 04/03/2010

Gây quỹ đợt 9

Topic hàng Nhật gây quỹ đã có ở CSTT.  Mọi người ai có nhu cầu mời vào đặt. Lưu ý hàng đang ở SG.  Ngày mai sẽ có người ra  HN nên nếu đăng ký sớm thì sẽ nhận được hàng sớm sớm ạ.

Link tai đây>>>

Rolling pins

(Muốn đặt cho bài viết tuần này một cái tựa vui vui, nhưng mà cây cán bột, hay là chiếc rolling pins thì chả có gì vui nên đành vậy, bài về rolling pins thì đặt tựa là “Rolling pins”)

Cây cán bột là một “dụng cụ” rất nổi tiếng trong truyện tranh cũng như truyện tiếu lâm.  Nổi tiếng với mục đích gì thì chắc ai cũng dễ dàng đoán được:

(Nguồn: comics.com)

Chồng ngoại tình phải dùng cây cán bột to và “nặng” nhất, Chồng nói dối dùng chiếc nhẹ hơn một chút, Chồng cờ bạc nhẹ hơn tí nữa, và hình phạt nhẹ nhất dành cho những tội linh tinh vớ vẩn khác 😉  Chắc là bà vợ đang đợi chồng về để làm pie. Tội nặng chắc phải phạt cán chục chiếc đế, cứ thế giảm dần theo tội trạng và độ thành khẩn.  Đừng ai nghĩ là cây cán bột sẽ hạ cánh đâu đó trên đầu ông chồng chứ!

Trên một chiếc postcard cổ từ một trang đấu giá online.  Tấm này chắc là chỉ “dọa” thôi nhỉ, chứ ai đánh thật. Chẳng may mẻ hay lõm mất một miếng thì cán bột sẽ có vết, không mịn màng 😛 (Bố bọn trẻ nếu vô tình vào bếp đọc được, phải biết là em đang nói đùa đấy!)

Và ở một mẩu truyện tranh khác, ông chồng dắt bạn về nhà, say khướt giữa đêm khuya, tay cầm nắm cửa, miệng nói với ông bạn “Yên tâm, vợ tôi không dùng cây cán bột. Bà ấy chuyên trị các món chiên rán xào!” Và đằng sau cánh cửa là hình vẽ bà vợ đang giơ chiếc chảo lên để chuẩn bị đập…  Chắc là đập ruồi.

Nói cho công bằng thì các ông có ấn tượng xấu với nó chắc bởi hình dáng và độ nặng, cũng với suy nghĩ là vợ thì gắn liền với cái bếp và những dụng cụ bếp chứ lâu nay có thấy báo nào đăng chuyện chồng bị vợ đánh, hung khí là cây cán bột đâu!  Các bà khi mà muốn đập thì bất cứ cái gì trong nhà cũng đều trở thành vũ khí được.  Viết thế này không biết các bác gái định mua cây cán bột có muốn kể cho chồng thêm về các công dụng khác của nó không nữa.  Thôi, cứ một tác dụng là được rồi.

Phương đông có “Ông ăn chả, bà ăn nem” trong khi phương Tây có “Ông với ly bia, bà với cây cán bột”:

(Hình: CartoonStock.com)

Julia Childs không phải là một người đàn bà “đẹp”. Tất nhiên, nếu tính theo chuẩn cái đẹp bao gồm sự cân đối về hình thể, giọng nói, nữ tính bên ngoài, vân vân. Chiều cao hơn hẳn so với trung bình của một phụ nữ da trắng, chân dài (tất nhiên) và tay cũng dài nữa. Nhưng người phụ nữ đó, khi có trong tay dao, nồi niêu xoong chảo, bột, bơ đường thì bà luôn biết mình phải làm gì, và làm được gì với chúng!  Vui vẻ, hạnh phúc, rạng ngời mỗi khi trong bếp. Thái độ này, khi được truyền đến toàn xã hội Mỹ đã làm thay đổi cuộc sống của biết bao phụ nữ. Thời đó, phụ nữ giành khoảng 40 tiếng mỗi tuần trong bếp với danh nghĩa một “việc” chứ không phải một thú vui.  Do vậy tuy bà không “đẹp”, nhưng bà luôn tỏa sáng trong lòng mỗi phụ nữ ở thế hệ của bà cũng như lớp hậu sinh sau này, khi được biết đến. Cái đẹp này tồn tại mãi.

Không phải bỗng dưng Julia Childs xuất hiện trong bài viết này. Nhưng để hiểu tại sao rùa lại đặt bà trong topic này thì chúng mình cần tìm hiểu một chút về các loại rolling pins (nó bắt đầu đi đúng chủ đề).

Cây cán bột được sử dụng từ rất lâu trong lịch sử, nhưng đa phần là tự chế, bằng gỗ.  Đến những năm giữa thế kỷ 19 mới có cây cán bột được sản xuất hàng loạt và bán ngoài thị trường một cách rộng rãi.  Đây là một dụng cụ để cán mỏng bột ngàn lớp, bột đế pie, đế tarts, bột bánh quy, v.v. Ngoài chức năng cán, khi di chuyển bột, người ta nâng lớp bột đã cán đặt lên bề mặt cây cán và cuộn nhẹ để mang miếng bột đó đặt lên trên khuôn để tạo hình.

(Hình chụp từ sách)

Về cơ bản, có 2 dáng rolling pins:

1. Có hai cán ở hai bên.  Chia thành hai loại:

a. Loại có trục giữa có thể xoay được.

b. Loại không có trục

Thịnh hành ở châu Mỹ, cụ thể là Mỹ.

2. Không có cán. Loại này cũng chia thành hai loại:

a. Thẳng (Rod)

b. Có hai đầu hơi nhọn (còn gọi là French Rolling Pin)

Thịnh hành ở châu Âu, cụ thể là Pháp, và một số nước châu Á như Ấn Độ

Về chất liệu, loại có cán thường được làm bằng thủy tinh (hình dáng giống chiếc chai có hai đầu, rỗng ruột, có thể chứa nước nóng hoặc nước đá lạnh bên trong tùy theo mục  đích sử dụng cán bột gì), sứ, đá marble, inox, silicone (chống dính), v.v.  Với loại không cán, thường được làm bằng gỗ, nhựa Polyamide, silicone, v.v.  Để chọn chất liệu thì tùy theo mục đích sử dụng nhưng nói chung một cây cán bột với chất liệu bất kỳ có thể dùng để làm mọi thứ yêu cầu đến cây cán bột (Mọi người tạm quên đi công dụng phụ ở trên đã nhé!).

Nếu chất liệu không quan trọng lắm thì hình dáng ắt sẽ là yếu tố.  Vậy thì nên chọn hình dáng / kiểu nào?

Trở lại với Julia Childs.  Bà học nấu ăn ở Pháp, khi trở lại Mỹ, tất nhiên, bà có khoảnh khắc rất ấn tượng với biết bao người khi xuất hiện trên truyền hình, trong series “The French Chef”, gọi cây cán bột “kiểu Mỹ” có cán cầm là “đồ chơi”, và ném veo một phát qua vai. Nữ tính không? Chắc là không. Rất cá tính. Hình ảnh này đã làm rùa tò mò tìm hiểu và sau đó là khoảng thời gian thử với cây cán bột thẳng hơi nhọn đầu bằng gỗ maple, theo đúng lời khuyên của Julia, “dài khoảng 18 in và đường kính khoảng 1 3/4 in”.  Cảm giác ban đầu là hơi khó cán nếu đã quen với loại có cán bởi nó không lăn theo đà, mà đẩy đến đâu nó lăn đến đó.  Dùng một thời gian mới biết, chỉ khi dùng cây cán bột thẳng, ta mới có cảm giác bột như thế nào qua các dây thần kinh ở gan bàn tay.  Nấu nướng, là những việc dùng nhiều đến cảm giác, đó cũng là một phần của “cuộc chơi” hay là  “thú ăn chơi”. Ai lại không thích cảm giác sờ vào bột thật mịn, thật mát (nhớ rửa tay sạch trước khi làm bánh!) hay không thích cảm giác tay lăn trên bột gián tiếp qua cây cán bột, “nghe” xem bột đã vừa độ cứng chưa?  Tại sao trẻ con lại thích nghịch đất cát hay vào bếp nấu nướng làm bánh và nghịch các nguyên liệu cùng mẹ, chính vì chúng được cảm thấy nhiều thứ mà đồ chơi thông thường không đáp ứng được. Không kể đến cảm giác lén mẹ thử một miếng bột sống.

Về đến Việt Nam, thời gian đầu không có cây cán bột, dùng tạm chai rượu vang, thấy ổn.  Tình cờ mua được một chiếc có cán, và nó trở thành cả đồ chơi của con lẫn của mẹ.

Khi ba mẹ con sang đến Nhật, hầu hết các dụng cụ làm bếp làm bánh đều được để lại ở Việt Nam nên việc đầu tiên bước chân vào nhà là giở tủ bếp của bố xem cần phải mua sắm thêm những gì.  Thật bất ngờ khi thấy xuất hiện một cây cán bột thẳng đã qua sử dụng, nằm trong góc tủ.  Hỏi ra mới biết, là của chủ trước của căn nhà để lại, và rùa bố thì cứ ngỡ nó là cái chày, cho đến giờ vẫn “cãi” đấy là chày!  Thảo nào các cụ bảo “cãi chày cái cối” 😛   Hiện giờ thì nó vẫn được sử dụng để cán bột làm bánh quy, hay cán bột bánh mỳ trước khi cuộn lại cho vào khuôn ủ lần 2.  Đây là hình cây cán bột của bọn trẻ, được mang ra dùng cán fondant:

còn có thể dùng để đặt bánh tuiles lên trên tạo hình mái ngói, vì đường kính nhỏ nên bánh có độ cong nhiều hơn.

Đồng thời nó cũng kiêm luôn chức năng của chày, giã đỗ làm nhân bánh khúc, giã vừng lạc làm muối vừng. Đầu tuần trước còn giã hạt mùi để đem trồng.

Tóm lại là chỉ cần đơn giản thế thôi cũng có thể làm trọn công việc được chỉ định kèm các công dụng khác (không tính phần mở đầu).

Như các sản phẩm khác, hiện nay có rất nhiều loại mẫu mã, chất lượng, và giá cả khác nhau tùy theo yêu cầu sử dụng và túi tiền.  Joseph Joseph cũng có một sản phẩm khá thú vị dành cho những ai thích làm “nhà khoa học trong bếp” *nháy mắt*.  Beech Rolling Pin (Adjustable)

(Hình: http://www.josephjoseph.com/)

Với kích thước 42 x 7 x 7cm, độ nặng tương đối, nó đủ nặng có thể cán bột ngàn lớp một cách dễ dàng.  Với 3 chiếc vòng có độ dày khác nhau 2mm, 6mm và 10mm, cả mẹ lẫn con đều có thể làm “nhà khoa học”, chính xác đến hẳn… 2mm. Nó đáp ứng được nhu cầu “cảm giác bột” của mẹ, lại có thể chiều các con khi chúng thực hành cán bột làm bánh quy. Với nó, khó có thể cán bột chỗ dày chỗ mỏng.  Gỗ chắc, sờ mát lạnh, công dụng phụ: ôm đi ngủ vào mùa hè thay cho máy lạnh 😉 Và mùa hè thì sắp đến rồi.

Chúc cho những ai chưa có cây cán bột đều có thể tìm cho mình một chiếc vừa vặn, như ý.

Chúc mừng ngày 8.3, ngày “phụ nữ vùng lên” – năm nay vùng lên có vũ khí 😉

Hẹn gặp lại tuần sau.