Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Daily Archives: 11/03/2010

Giấy nến hay baking mat (silicone mat)?

Giấy nến

Mỗi khi nướng cookies, tuiles, v.v., chúng ta vẫn được yêu cầu dùng đến “giấy nến”.  Giấy nến là loại giấy được tráng một lớp chống dính dùng trong lò nướng.  Nó được bán theo tờ lớn, hoặc từng cuộn, hay là đã được cắt để đặt vừa trong lòng một chiếc khuôn theo kích cỡ nhất định.  Giấy nến có thể có màu trắng, trắng ngà, thậm chí nâu, màu sắc tùy thuộc vào phương pháp sử dụng chất liệu chống dính.

Khoảng một thập niên trở về trước là “thời đại silicone”, từ silicone trong “cái tuti” của các con, vào cả đến bếp của mỗi gia đình.  Lúc đó, những sản phẩm được làm bằng silicone được ưa chuộng vì sự tiện lợi khi làm bánh, nấu nướng. Này nhé, chẳng cần chống dính cho khuôn dù cho chiếc khuôn đó có nhiều chi tiết lắt léo đến đâu, cứ thế đổ hỗn hợp bột, đặt vào lò nướng.  Bánh chín, lấy ra đổ ụp lên đĩa. Rửa khuôn bằng nước ấm và nước rửa chén bát thông thường. Thậm chí, có thể cuộn lại cho gọn.  Vào lúc đó, đâu đâu cũng thấy các dụng cụ làm bếp từ silicone.  Trên TV, các chương trình dạy nấu ăn tràn ngập khuôn silicone!  Sản phẩm SILPAT,  “giấy nến” được làm bằng silicone của công ty Demarle đã được đón nhận một cách nồng nhiệt nhất, vì nó được phát minh đầu tiên.  Ai cũng háo hức với cái thứ dụng cụ mà chẳng cái gì thèm dính, nhất là những mẻ cookies của mẹ!

SilPat

(Hình: Demarle)

Khi những chiếc khuôn silicone dần dần lộ ra những điểm yếu, những dụng cụ như spatula, chổi, lại được nâng giá trị cho đến giờ.  Tấm silicone mat cũng vẫn được ưa chuộng, là lựa chọn duy nhất thay thế cuộn giấy nến trong bếp.  Và hiện tại thì có rất nhiều hãng sản xuất silicone mat với đủ chất lượng và giá cả. Không hổ danh là công ty đi tiên phong, Demarle với sản phẩm Silpat vẫn luôn có giá cao nhất, tuy nhiên Matfer (cũng của Pháp) có dòng sản phẩm chất lượng tương tự, giá bằng 2/3.  Các hãng khác không sử dụng công nghệ phức tạp như Demarle và Matfer, chỉ là tấm trải bằng silicone không có lõi sợi nên giá thường rẻ hơn, chất lượng theo đó cũng không bằng.

Về giá cả, tất nhiên giấy nến sẽ rẻ hơn nếu so 1 cuộn giấy nến với 1 miếng silicone mat.  Nhưng nếu so vài chục cuộn giấy nến thì lại là chuyện khác.  Tấm silicone mat “cao tuổi” nhất trong bếp rùa có số năm sử dụng là 4, vẫn sử dụng tốt dù màu sắc có biến đổi (theo chiều hướng xấu đi).  Như vậy là giá cả không chênh nhau nhiều nếu chung tần suất sử dụng.  Phân tích cả hai loại:

1. Giấy nến:

– Tiện ích: Đầu tư ít, mỗi một cuộn giấy có giá rất rẻ. Ở Nhật, cửa hàng đồng giá 100Y cũng có bán. Có thể cắt thành nhiều kích cỡ, hình dáng, ví dụ khi chúng ta cần lót khuôn bánh bông lan hoặc cắt rời từng miếng cho phù hợp với kích thước của khay nướng.  Bánh nướng trên giấy nến ra sản phẩm giòn (mặt đáy) do có độ thấm dầu.

– Bất tiện: Thải rác ra môi trường do không sử dụng được nhiều lần, cứ hết lại phải đi mua, mà chúng ta thì chỉ thích làm thôi chứ không thích ra chợ chỉ để mua 1 cuộn giấy nến.  Có những loại giấy nến không chống dính tốt đủ yêu cầu để làm một số loại bánh có độ dính cao.

2.  Silicone mat:

(Hình: Demarle)

– Tiện ích: Sử dụng lại được nhiều lần, dễ vệ sinh, hầu như không có loại bánh nào “thèm” dính.  Có thể kiêm chức năng làm “bàn” để cán bột làm bánh quy cắt, có thể dùng để làm những hình trang trí từ chocolate, dùng để đổ kẹo.

– Bất tiện: Cố định về kích thước.  Đối với một số loại bánh sử dụng nhiều bơ, sản phẩm sẽ không được giòn như ý.

Khi làm macaroons

Choux

Kẹo caramel

Về giấy nến thì chắc ai cũng đã biết, là một sản phẩm được dùng truyền thống nên tạm coi chúng mình đã “tốt nghiệp” khóa học về “sản phẩm giấy nến” để tìm hiểu thêm về “sản phẩm silicone mat”.

Như đã nhắc ở trên, do không thể cắt theo hình như ý bởi giữa lớp tráng silicone là lõi sợi (thành phần này giúp khắc phục nhược điểm của nguyên liệu silicone: làm bánh có độ giòn hơn so với  bánh nướng dùng tấm silicone thông thường) nên những tấm silicone mat được sản xuất với nhiều kích cỡ, hình dáng khác nhau tùy theo yêu cầu.  Nếu lò to thì mua kích cỡ lớn và ngược lại.  Thậm chí, miếng hình lục lăng cỡ 26 x 26cm cũng được sản xuất cho một số mục đích.

(Hình: Demarle)

Vì có độ dày và kích thước cố định nên silicone mat không được dùng để lót khay làm bánh cuộn. Duy nhất điều này là sự giới hạn.   Với những người hay làm bánh cuộn, chúng mình buộc phải dùng giấy nến.  NHƯNG, một tấm silicone mat có thể là trợ thủ đắc lực khi cuộn bánh và nhân!

(Hình: Demarle)

Để khắc phục nhược điểm của việc mặt đáy của bánh không giòn (tất nhiên, điều này sẽ làm những ai hay nướng bánh mỳ rất chi là bực mình!), có một dòng sản phẩm được ra đời dành riêng cho bánh mỳ:

(Hình: Demarle)

Tấm silicone mặt thô, ráp, vẫn là chống dính nhưng có những lỗ thoát khí nhỏ li ti.

Thời buổi ai ai cũng ưa chuộng sự tiện lợi, nên nếu làm cookies mà không có tấm trải để cán bột chống dính thì cũng là một sự thiếu sót, thế là tấm RoulPat ra đời (nghe tên cũng đoán được, do Demarle sản xuất).

(Hình: Demarle)

Với kích thước lớn, có thể đặt bột lên cán và cắt bánh quy, không dính và do silicone có sự ma sát với mặt bàn nên khi cán không bị dịch chuyển.  Tấm RoulPat này cũng có thể chịu nhiệt nhưng chỉ được dùng khi có lò chuyên dụng kích cỡ lớn. Bởi kích thước nó lớn hơn rất nhiều so với lòng lò gia đình.

Như vậy thì nên dùng gì?

Giấy nến? Tất nhiên rồi, nên có một cuộn trong bếp, nhưng về lâu về dài thì nên có một tấm silicone.  Để bảo vệ môi trường, bớt đi rác thải không cần thiết, và hơn nữa, nó có vẻ an toàn cho sức khỏe hơn là sử dụng giấy nến tráng chống dính.

Chúc mọi người tìm mua được một chiếc vừa vặn với chiếc lò của nhà mình.

Nếu không có gì thay đổi, 7 ngày nữa sẽ lại là thứ Năm.  Hẹn gặp lại 🙂

Cho những ai yêu thích đồ IKEA, catalog 2010 ở đây.