Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Daily Archives: 04/11/2009

Mứt cam mật ong

Mứt cam mật ong

Năm ngoái có công thức và demo mứt cam, mọi người làm nhiều, thành công và ai cũng thích. Công thức cũ link ở đây, dành cho những ai quan tâm ạ.

Những ngày này, ông mặt trời đi ngủ sớm và thức dậy cũng muộn dần.  Đấy, đến ông mặt trời già thế mà vẫn còn phải giữ gìn sức khỏe, nhịp sinh hoạt thay đổi theo mùa cho phù hợp 😉  Tỉnh dậy mỗi buổi sáng, bước chân ra khỏi giường càng ngày càng khó khăn hơn.  Hồng – Táo – Cam – Quýt – Lê xuất hiện, Cà tím – Cà chua tạm thời tránh mặt.  Mùa thu đã đến một cách nhẹ nhàng, được đón chào bởi bếp rùa một cách ồn ã (nhắc mãi, nhắc suốt hai chữ mùa thu).  Và bây giờ mùa đông đến cũng thật nhanh, mà mình chẳng thể nào ngăn cản nổi.

Nói chữ “ngăn cản” không có nghĩa là ghét mùa đông.  Thậm chí rất yêu, yêu nhiều nhiều nữa.  Mùa Đông có hai lễ sinh nhật và một kỷ niệm ngày cưới.  Mùa đông tức là từng thảm lá vàng trải dài dưới chân (trước khi các bác quét dọn xuất hiện cùng với chiếc máy thổi hay là cái chổi cào thật to).  Mùa đông, cũng có nghĩa là rùa có 1 hay 2 đợt nghỉ dài, vì ho, vì cảm lạnh hắt hơi sổ mũi. Tóm lại là cái đầu thì được lập trình sẵn để thích mùa này, nhưng cơ thể thì lại không!

Năm nay tình hình dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập từ phương Bắc được bàn tán nhiều (tức là Tai-Mũi-Họng nhưng ai suy gì khác cũng đúng cả).  Mứt cam mùa đông cũng nên có, vì mùa đông cũng là mùa cam quýt – thiên nhiên ưu đãi con người đến thế!  Để thay đổi theo thời sự, mứt cam được sửa lại một chút, thêm thành phần mật ong bổ sung, tốt hơn nữa.  Chuẩn bị cẩn thận để cơ thể có thể kháng lại những virus lạ và quan trọng nhất là, để hưởng thụ một mùa đông không phải dùng nhiều đến khăn lau mũi 😛 hay là thuốc hạ sốt, tệ hơn nữa – kháng sinh.

Mứt cam mật ong, có thể dùng như mứt cam: phết lên bánh mỳ, pha trà, cho vào bánh.

Công thức:

– 5 quả cam

– Đường, trọng lượng bằng 1/2 trọng lượng cam (ít hơn so với cách làm mứt cam theo công thức cũ)

– Nước cốt 1 quả chanh hoặc hơn nếu là cam ngọt

– 300-400g mật ong

Cách làm:

Cam rửa sạch, để ráo nước hoặc lau khô.  Dùng dụng cụ cắt cam vắt lấy nước, bỏ hạt và tép.  Lộn trái vỏ cam, bóc bỏ vỏ màng của múi cam.  Thái mỏng vỏ cam.

Nước cam, nước cốt chanh đổ vào vỏ cam đã thái mỏng sao cho ngập vỏ cam.  Nếu thiếu có thể vắt thêm nước cam hoặc cho nước lạnh.  Đun sôi, hạ lửa nấu đến khi mềm, nước cam cạn bớt.

Cho đường và đặt lên bếp nấu lửa vừa đến khi vỏ cam có màu trong và dẻo.  Tắt bếp, cho mật ong, khuấy đều.  Để nguội đổ vào hũ có nắp đậy kín.

Một thìa mứt cam mật ong cho một ly trà nóng…

Về vấn đề H1N1: Một số thói quen đơn giản đẩy lùi cúm A

Nghe cái tựa có vẻ giống văn bản của BYT, nhưng không phải 😛  Mấy tuần nay liên tục nhận tin bạn bè người thân, người nọ cúm A bị “nhốt” trong bệnh viện, người kia cách ly vì H1N1.  Cách đây 2 tháng, trường mẫu giáo của TD gửi tờ lịch về, mỗi ngày vào buổi sáng đo nhiệt độ cho con, ngày nào ghi ngày đó.  Hết hai tháng, tình hình dịch cúm A lại nâng cấp báo động cao hơn nên tờ lịch được thay bằng bảng câu hỏi về các triệu chứng: sắc mặt, nhiệt độ, v.v.  Mỗi ngày như mọi ngày, trước khi ra khỏi nhà là đo nhiệt độ, ghi xuống giấy mang đến trường để các cô giáo biết.

Cuối tuần rồi lẽ ra có bazaar ở trường trung học nhưng bị hoãn cũng vì dịch cúm. Không nói ảnh hưởng gì xa xôi, mẹ rùa cứ nghĩ đến không được mua mấy cái đĩa đẹp đã cảm thấy dâng trào một sự tiếc nuối 😉 .  Không biết đến bao giờ mới có bazaar bù lại nữa đây.

Trở lại vụ cúm, có một số thói quen nên được hình thành cho cả gia đình để có thể phòng tránh và giảm nguy cơ nhiễm/lây bệnh.  Các bệnh về Tai Mũi Họng chủ yếu qua đường mũi và miệng.  Không ai có thể nhịn thở hay nhịn ăn/uống, do vậy việc  giới hạn virus cúm vào người là việc bất khả thi.  Ai mà bịt mũi bịt miệng suốt thời gian dài có dịch cơ chứ?  Tuy vậy, tiếp xúc với virus H1N1 không phải là vấn đề, mà cách chúng ta đuổi nó đi mới là quan trọng.

Trong khi một người khỏe mạnh, không có bất kỳ triệu chứng nhiễm  H1N1, thay vì tìm kiếm và dự trữ khẩu trang N95 hay thuốc Tamiflu thì nên tạo cho cả gia đình có thói quen:

1.Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng/dung dịch có tính năng diệt khuẩn.

(Các con gái nhà rùa thích rửa tay đến nỗi mẹ phải kêu ầm ĩ về việc nước rửa tay hết nhanh quá.  Xịt bình ra, bọt đầy tay, thế là cứ đứng cạnh bồn rửa mặt rửa đi rửa lại…)

2. Không đưa tay lên gần mặt.  Tránh sờ lên các bộ phận trên mặt.

(Trừ trường hợp rửa mặt, tắm… hay tát một ai đó 😛 – Động tác cuối, khi xong xuôi nhớ rửa tay cẩn thận, 2 lần, bằng xà phòng diệt khuẩn)

3. Súc miệng nước muối hoặc bằng nước súc miệng  hai lần mỗi ngày.

Với trẻ nhỏ trên 1 tuổi (trẻ từ 1-99 tuổi), có thể cho dùng một thìa nhỏ mật ong ngay trước bữa sáng.

Virus H1N1 mất 2 ngày cư trú trong vùng mũi/họng trước khi có biểu hiện ra bên ngoài.  Súc miệng cẩn thận bằng nước muối hoặc ngậm thìa mật ong nhỏ vào mỗi buổi sáng trước bữa ăn và tối trước khi đi ngủ sẽ làm giảm đi sự sinh sôi nảy nở của virus.  Thực tế thì nước muối loãng hay mật ong đều có tác dụng phòng ngừa đối với người khỏe mạnh, tương tự như  Tamiflu đối với người đang nhiễm bệnh.  Đừng bỏ qua cách đơn giản, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh này.

4. Nhỏ mũi thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày.  Có thể dùng nước muối biển để làm sạch mũi.  Cách này cũng có tác dụng giống như việc súc miệng nước muối.  Với trẻ nhỏ không chịu được bình xịt thì có thể nhúng đầu tăm bông vào nước muối và ngoáy cho sạch.

5. Sử dụng thức ăn có nhiều vitamin C (cam chanh bưởi quýt…). Nếu như các loại quả trên khó mua, có thể dùng viên C, nhưng lưu ý sử dụng loại có thêm chất Kẽm để vitamin C dễ hấp thụ hơn.

6. Uống thật nhiều nước ấm.  Uống nước (nước lọc hay nước trà chanh gừng, nước quả tươi, v.v.) có tác dụng giống như việc súc miệng, nhưng cách hoạt động lại theo chiều ngược lại. Uống nước nhiều làm virus từ cổ họng đi xuống dạ dày.  Và ở dạ dày thì, chúng không thể sống sót hay làm gì có hại cho cơ thể.

và một lưu ý nữa rùa rất không thoải mái khi phải viết xuống: Kẹo/bánh luôn luôn tốt.  (Đúng rồi).  Nó làm con người ta vui vẻ hơn, yêu đời hơn, nên có lý gì mà không tốt 😛 Tuy nhiên, khi đã có biểu hiện bệnh cúm, nên cắt bỏ phần tráng miệng bánh ngọt, hay là chiếc kẹo caramel quyến rũ.  Đường không tốt khi chúng ta đang bị ốm, do vậy:

7. Giảm tối đa bánh kẹo ngọt.

 

Chúc mọi người chuẩn bị tốt cho mình thói quen từ 1 đến 6, để phòng tránh cúm và không bao giờ phải thực hiện điều 7 🙂  🙂  🙂  Cùng giảm bớt căng thắng sau khi đọc bài viết toàn chữ Cúm A với H1N1:

 

😛