Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Monthly Archives: Tháng Mười 2011

Mont Blanc (Happy Halloween!)

Cuộc đời thật tươi đẹp, nhất là khi ta có nhiều bạn bè xung quanh luôn luôn “soi” xem mình cần gì để “đáp ứng”.  Có những người rùa mẹ nhờ vả cứ thấy thoải mái như không ;), có những người rùa mẹ suốt ngày vòi vĩnh, cũng cứ như không, còn có cả những người chưa đòi đã đưa, chưa nói đã hiểu ý.  Có những người có món gì ngon cũng nhớ.  Trong một ngày mát  trời kiêm nắng đẹp như thế này, lòng cứ nao nao. Ước gì mọi người có mặt ngay trước mắt, chỉ để nhìn vào mắt nhau, cười một cái.  Như thế là mình đang yêu và đang được yêu đấy 😉 (Trong một ngày đẹp trời như thế này, mình “tỏ tình” mà mặt không hề đỏ :P, ngày thường chả thế đâu).

Suốt ngày mua cái nọ tìm cái kia rồi gửi từ nơi này sang nơi khác, chỉ giỏi làm giàu cho bưu điện.

Vì mình biết, chị mình, bạn mình sẽ thấy rất vui khi nhận được những thứ ấy. Vui cũng như cái vui thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của mình (nhưng chắc không quá khích như mình).

Hôm nọ bác đưa thư giao đến nhà cái phong bì, bên trong có nhiều thứ thích kinh lên được! Vì từ hôm có bài Bánh Poundcake vị Tiramisu, cứ mơ mơ về lọ Tiramisu paste.

Ngày Halloween, TT nghỉ học bù hôm chủ nhật phải đi học để bố mẹ đến dự giờ, đang chưa biết cùng con làm bánh gì thì mình đã có một hành động “dại dột”, mở lọ tiramisu paste!

Ngửi mùi, nó làm gợi nhớ đến vị rhum của Mont Blanc!  Từ chỗ chưa nghĩ ra món gì đến lúc như có một bóng đèn điện loé sáng (như trong truyện tranh ấy) diễn ra trong tích tắc 😉

Và đi rang hạt dẻ, nghiền và xào với đường. Marrons glacés đã làm từ mấy hôm trước “nhân dịp” rang hạt dẻ cho cả nhà ăn chơi.

Làm một chiếc bánh gateaux cơ bản với một chút tiramisu paste tạo hương vị.  Nướng trong khay bánh cuộn nhỏ, 2 trứng là đầy 1 khay.  Dùng khuôn cắt hình tròn đường kính khoảng 5cm, cắt được 8 chiếc bánh.

Trộn phần hạt dẻ nghiền (1)

Cho vào túi bắt bông kem gắn đầu đui sợi

Trộn tiếp phần kem tươi vị hạt dẻ, cho vào túi bắt bông kem gắn đầu đui tròn trơn, (2)

Phần kem tươi hạt dẻ bên trong, sau khi đã giấu một hạt dẻ ngào đường.  Bên ngoài phủ bằng những “sợi” kem hạt dẻ.

Rắc một chút đường bột, cài tấm thẻ chúc mừng lễ Halloween.

Happy Halloween!

Mời tất cả, những người bạn của tôi.

Mont Blanc (hay còn gọi là Mont Blanc aux marrons) là tên một loại bánh xuất xứ từ Pháp, rất phổ biến ở Nhật.  Tên bánh được bắt nguồn từ tên một ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi An-pơ (Mont Blanc = White Mountain). An-pơ là một trong những dãy núi lớn và dài nhất châu Âu. Mont Blanc là đỉnh cao nhất (4810 m), nằm giữa biên giới hai nước Pháp – Ý.   Chiếc bánh có hình dáng của ngọn núi được phủ tuyết trắng, và kem được phun thành hình “sợi” là đặc trưng của món bánh này. Chiếc đui sợi có tên chính thức là đui Mont Blanc.

Công thức:

– Đế bánh: 1 chiếc bánh cuộn ( 2 trứng + 60g bột + 60g đường). Cắt bánh thành những chiếc bánh nhỏ, hình vuông/chữ nhật hoặc hình tròn.   Phần đế có thể dùng Sable Breton hoặc tart hay gateaux, tuỳ sở thích. Sable breton “đậm đà” nhất, tuy nhiên hôm nay thời gian không cho phép mẹ rùa “múa” lâu trong bếp nên dùng tạm sponge.

– Hạt dẻ nghiền:  250g hạt dẻ nguyên vỏ, luộc chín, rang cho thật thơm. Bóc vỏ, nghiền mịn, xào với đường thành hỗn hợp dẻo, vị ngọt vừa phải.  Cần dùng khoảng 250g hạt dẻ đã xào.

– Kem hạt dẻ: 100ml kem tươi + 1 lòng đỏ trứng + vanilla và rhum (hoặc tiramisu paste) + 250g hạt dẻ nghiền ngào đường.

Kem tươi và lòng đỏ trứng khuấy đều, nấu chín trên bếp.  Để nguội bớt, cho vanilla và rhum hoặc tiramisu paste.  Cho tiếp hạt dẻ nghiền ngào đường.  Xay nhuyễn, được hỗn hợp (1) ở trên.

– Kem tươi hạt dẻ: 100ml kem tươi đánh bông, trộn cùng khoảng 2 thìa canh kem hạt dẻ (1), được loại kem như ở (2).

– Marrons glacés: “mứt hạt dẻ”, hạt dẻ luộc chín, bóc bỏ vỏ.  Đường (tỷ lệ bằng trọng lượng hạt dẻ) pha cùng chút nước, nấu sôi khoảng 5 phút. Cho hạt dẻ đã bóc vỏ vào, nấu khoảng 10 phút. Tắt bếp, cho một chút vani, để qua đêm.  Hôm sau lại nấu sôi khoảng 10 phút, tiếp tục để ngâm qua đêm. Lặp lại lần thứ 3.  Vớt hạt dẻ ra khỏi nước đường, phơi nắng hoặc sấy khô, cho đến khi hạt dẻ ráo đường bên ngoài, trở nên bóng.

Ráp bánh:

– Trên mỗi phần bánh, xếp 1 marrons glacés.  Phủ kem tươi hạt dẻ lên trên mứt. Phủ kem hạt dẻ bên ngoài. Hoặc cũng có thể xếp marrons glacés lên trên lớp kem hạt dẻ.

– Giữ lạnh.  Rắc đường bột trang trí ngay trước khi dùng.

Ngày này năm ngoái:  Bánh gateaux bí đỏ

Ngày này năm kia: Bánh rán gấc

Về sự tích ngày Halloween

Cái đĩa (Bazaar)

Chủ nhật trời mưa, cả nhà chia hai phòng ngủ trưa. Hai mẹ con nhà người ta đang nằm cạnh nhau mơ màng, bỗng nghe thấy tiếng bố “Tranh thủ chồng không ngủ cạnh ôm đĩa đi ngủ đấy!” – mơ gì mà “thật” thế.

Lát sau tỉnh dậy thấy chiếc đĩa đang ở cạnh gối, vẫn còn nguyên miếng băng dính ghi số 50 (Yên).

Đúng rồi, vì sáng nay có buổi dự giờ ở lớp TT, sau đó là bazaar của hội phụ huynh trường.  Lâu lâu mới có một buổi bazaar bán đồ cũ mới, háo hức ghê. Vừa có dịp ủng hộ trường, vừa có dịp mua những món đồ xinh xinh dùng ở nhà. Rẻ, sau này có phải bỏ đi cũng chẳng tiếc.

Sáng thứ Bảy, như mọi cuối tuần, nhà như có loạn bởi lũ trẻ chạy ra chạy vào phơi chăn đập bụi đệm. Mẹ thì lo làm sạch tấm thảm để trải sàn nhà cho ấm chân.  Thu đi qua nhanh như trong chớp mắt, sáng tối thời tiết đã bắt đầu lạnh rồi.

Cắm một chậu hoa giả nhỏ để bày lên bàn, túi thông khô của hai đứa nhặt được nở xoè trông thật đẹp. Lại sửa soạn làm mấy món đồ trang trí cây thông cho Noel sắp tới.

Buổi sáng tranh thủ khi bố và DD đến trường dự giờ, hai mẹ con LL ở nhà chuẩn bị bữa trưa: gỏi cuốn tôm thịt và bún bò (xào). Hai món nhưng nhanh, vì đều là bún.  Có rổ hành phi ngon ngon được làm từ thùng hành (vâng, là 1 thùng) của MC gửi cho.  Như mọi khi, hành khô quý ơi là quý, và DD khi nếm hành phi đã phát biểu “Hành ngon vì rất ngọt”.

(Vụ hành được khen “ngon” này có công của em nhé, MC.  Em mà phi hành cháy thì MC không được khen đâu 😛 )

Chuẩn bị xong bữa trưa thì trời đổ mưa. Kế hoạch có một chút thay đổi.  Mẹ cần “trao đổi tù binh” với bố, đưa LL đến trường để đổi lấy DD.  Đợi TT tan lớp, ba mẹ con cùng đi chọn đồ cũ, chơi trò chơi, cầm coupon đổi đồ ăn các con đặt trước rồi mang về nhà cùng ăn.

Trở lại câu chuyện chiếc đĩa, nó có giá 50Y nhưng còn rất mới, hơn nữa lại là của Wedgwood – England.

Wedgwood NAUTILUS

Một chiếc đĩa nữa, cũng 50Y, của Narumi – Japan, không rõ dòng sản phẩm tên gì.

Chiếc khay mặt giả da khắc hoạ tiết hoa…

2 chiếc chén đựng soup cho hai chị em.  Bộ 2 chiếc đĩa hình lục lăng chủ đề mùa đông. Cả hai đều có giá 150Y/2 chiếc.

Một hộp mới tinh có chục chiếc bát ăn cơm, 100Y (chưa đến 30K).  Chẳng cần mà cứ phải tha về vì rẻ và đẹp.

Bộ ấm và tách trà nhãn hiệu của Ý.

Rùa bố bảo, hội phụ huynh trường đã rất thành công trong việc gửi rác về nhà phụ huynh khác.

Rùa mẹ thì không nghĩ thế (Chả ai ôm rác đi ngủ cả!).

Lâu lắm rồi tủ bếp mới có thêm chiếc đĩa mới.

Matsutake (nấm Tùng)

Hôm trước viết về ít thức quà mùa thu từ thiên nhiên, trong đó có món nấm Tùng (Matsutake).  Nhớ đến và ngồi điểm đầu ngón tay là bởi hôm đó có ít nấm quý mua được sau khi cả nhà rời lễ hội thể thao của trường DD.

Sáng nay luộc nồi khoai lại nhớ đến món nấm.

Nấm Tùng quý không chỉ bởi vị ngon rất đặc biệt của nó, mà chủ yếu, có lẽ bởi sự “hiếm”. Là một trong số ít những loại nấm không thể trồng nhân tạo, nấm Tùng mọc trong những khu rừng có nhiều cây Tùng.  Điều lạ là hễ ở đâu cây Tùng tươi tốt thì nấm xuất hiện rất ít.  Loài nấm này mọc từ rễ cây, hoặc phía dưới những lớp lá mục, và đặc biệt hơn nữa sau khi được (bị) hái, đúng tại nơi cây nấm đã mọc, sẽ không bao giờ mọc thêm cây khác.

Mặc dù nấm Tùng có thể được nhập khá nhiều từ Mỹ hay Trung Quốc, người Nhật vẫn ưa chuộng loại nấm được thu hoạch trên đất nước họ, cho dù giá có đắt hơn đến cả chục lần.  Họ bảo, Matsutake là loại nấm dành cho tầng lớp quý tộc, không phải bởi cách chế biến, mà vì giá cả.

Nhưng dẫu sao mỗi năm cũng chỉ có một mùa thu.  Mùa thu năm nào cũng sẽ qua nhanh trong chớp mắt (đấy, lại sắp đi qua rồi mà chẳng “xin phép” gì ai)  và mùa nấm lại càng ngắn ngủi hơn.

6 cây nấm cả lớn cả nhỏ được rùa mẹ làm thành mấy món ăn. Nhưng mà, để no thì có lẽ mấy cân nấm mới đủ, và như thế thì đến quý tộc cũng không dám hoang phí, huống chi nhà mình thuộc tầng lớp nông dân quanh năm ngô khoai sắn làm bạn.  Bữa tối của gia đình rùa có “độn” thêm mấy con lươn nướng (là món đặc trưng mùa hè) và thịt nướng (kiểu Việt Nam) – sẵn cùng một cái bếp nướng, nướng luôn cho tiện. Thịt đã có sẵn, được nướng sơ rồi, chỉ cần lấy từ ngăn đông lạnh ra đặt lên bếp thôi.

Nồi soup nấm Matsutake và thịt cua Huỳnh Đế là món khai vị.  Một bộ xương gà ninh nhừ, canh cho nước trong veo, gạn bỏ mỡ gà trong nước.  Cho nấm thái nhỏ, thịt cua đã gỡ, chút bột năng cho sánh. Thế là xong nồi soup.

Cơm được nấu với nấm thơm ngào ngạt khắp cả phòng.  Một đĩa nấm được chuẩn bị sẵn để nướng.

Cả nhà quây quần bên chiếc bếp nướng.

Kết thúc bằng chén cơm nấm Tùng thật nóng, một khúc lươn và vài miếng nấm ăn chơi.

Lại chờ đến mùa thu sau…

Undokai năm cuối mẫu giáo

Tuần trước, hôm thứ Bảy, cả nhà đi cổ vũ DD trong ngày hội thể thao. “Vận động viên” của nhà mình thích chocolate croissants nên sáng hôm đó có một túi croissant “ngon ơi là ngon”  kèm theo lời nhắn “DD cố lên!” được dành riêng cho con.

Sau đúng 3 năm, cả gia đình mình lại ở đúng địa điểm này, để dự cùng một sự kiện.  Ấy là 3 năm trước, cũng tại phòng GYM của trường tiểu học (nơi bây giờ TT đang học), TT và DD cũng dự buổi undokai đầu tiên trên đất Nhật do năm đó công viên trường mẫu giáo đang được đóng cửa để sửa sang lại.  Lần đầu tiên dự undokai đã là một ngày vui, mấy năm sau, kể cả những năm được dự 2 lần, cũng cùng một cảm giác như thế.

Năm nay không ngoại lệ.

Cả nhà hào hứng lắm. DD cẩn thận mang tờ chương trình về, đánh dấu vào các tiết mục cho tham gia “để bố mẹ biết mà chuẩn bị.”  Phòng thể thao, nhỏ hơn công viên trường, nhưng cũng vì thế không khí không bị “loãng”.  TT hào hứng lắm, vì đây là trường của con, hôm nay con là “chủ nhà”.

Ai cũng dậy thật sớm. Mẹ chuẩn bị thức ăn sáng để ba bố con mang tấm trải đến sớm chọn chỗ ngồi tốt, vì lần này có cả LL đi cùng.  Nhớ năm đầu chẳng có kinh nghiệm gì, đúng giờ mới đến, và thế là bố mẹ đứng từ đầu đến cuối buổi.  Tính toán thế nào mà ba bố con lại đến sớm hơn tất cả mọi người, một phần lý do vì nhà mình gần trường.  Như thế, đương nhiên chỗ ngồi tốt nhất đã được chọn.  Mẹ với LL đủng đỉnh đến sau.  Khi đến nơi đã thấy phòng thể thao đông người lắm rồi.  Như mọi lần, đội cổ vũ mang đủ lứa tuổi từ bé sơ sinh cho đến các ông bà ngồi xe lăn hay chống gậy.

Lớp lớn nhất mở đầu bằng tiết mục chào mừng.

Cuối buổi, mẹ ghẹo DD “múa hát gì mà mỗi bạn lại cầm một chai nước giơ hết cả lên trời thế kia?”  Nó có vẻ bực mình, “cô giáo bảo cầm bình nước. Lại còn cho mấy dây óng ánh kia, dán vào bình nước nữa. Trông chả hay.”   Cố tình trêu cho con nói ra suy nghĩ của mình, vì biết nó không thích cái trò cầm-bình-nước-múa.

Các em lớp nhỏ hơn, không cầm gì cả, lần lượt ra chào.


Những em bé tí xíu được ngồi trên xe đẩy 4, các cô giáo đẩy vào ngồi cùng các anh chị.

(Nhiều hình quá, đành tường thuật “chay” rồi mời mọi người xem slideshow phía dưới vậy)

Vài anh bạn trẻ “lợi dụng” lúc mọi người đang lơ là, bỏ đội ngũ chạy về phía bố mẹ. Nhưng cuộc “đào tẩu” thường bất thành vì chạy đến nửa chừng thì bị các cô bắt trở lại.  Có những bạn, trong khi tất cả mọi người đứng lên xoay vòng, múa và hát theo nhạc thì các bạn ấy ngồi phịch xuống, và khóc hoặc đơn giản là ngồi chơi, tỉnh bơ cứ như là đang ở giữa lớp học của các bạn ấy! Có bạn thì, trong khi các bạn đứng, bạn ấy bò và húc đổ 1 bạn ngã lăn đùng ra sàn. Cả hai đều khóc!  Thế mới là tinh thần thể thao, khóc cùng khóc.

Phần thi “điền kinh” tức là thi chạy cự ly khoảng 5m của lớp nhỏ là phần vui nhộn nhất.  Cô giáo chờ ở phần đích, cứ thế chạy sau hiệu lệnh và đến ôm cô thôi. Thế mà có bạn còn dỗi. Thỉnh thoảng có bạn không chịu xuất phát, làm cô giáo khác phải bế chạy về đích. Có bạn chạy đến cách cô giáo 1m thì đứng im và bỗng dưng quay lại, nhìn về vạch xuất phát. Cô giáo lại tiếp tục phần thi chạy dang dở bằng cách bế lên đưa cho cô giáo kia.

Phần thi chạy của lớp mẫu giáo lớn, DD đã cố gắng khi về đầu tiên.  Con về chỗ, nhìn về phía cả nhà với vẻ mặt rất hãnh diện.  Thôi, thế là biết được cả nhà không được sơ múi gì trong túi croissant kia rồi…

Các ông bà cũng có riêng một tiết mục “ném bóng da” để làm vỡ quả bóng được bồi giấy.  Hai đội chơi, đội trắng và đỏ.  Phải công nhận là các ông bà vẫn còn dẻo dai thật, ném một cách rất bạo lực. Có đến 2 lần quả bóng suýt văng vào mặt mẹ. Và LL nằm ngủ khì ngay dưới đất.  Một tay cầm máy ảnh, mắt dòm vào ống kính, phải dặn bố làm “thủ môn”, chặn không cho bóng rơi vào cái khung thành đang nhắm tịt mắt kia.  Lạ thế, ồn ào như cái chợ vỡ, mà nó ngủ từ đầu đến cuối!

Phần thi chạy của lớp mẫu giáo nhỡ có một pha ngoạn mục, hai bạn cùng về đến gần đích, bỗng một bạn chạy tụt lại phía sau, và thế là bạn ở đằng sau nắm đuôi áo bạn đằng trước, không cho về đích. Cả hội trường cười ồ. Trẻ con đôi khi cũng mắc bệnh thành tích như người lớn.

Bạn nhỏ bị down cũng tham gia chương trình như các bạn khác.  Ở phần thi chạy kết hợp nhảy ngựa, thay vì nhảy qua “con ngựa”, bạn ấy ngồi luôn lên đó và quay sang nói chuyện với cô giáo – chắc là cũng buôn xong 2 sọt dưa, rồi mới tụt xuống và đi bộ về đích.

Mỗi lớp có một tiết mục múa hát riêng, ngoài những phần thi thể thao. Có anh chàng – chắc là không thích múa – ra sân đứng dỗi. Bà hiệu trưởng phải ra dỗ mãi mới nghe!

Cô bé kia, mặc cô giáo và các bạn đang nhảy điệu gì, ngồi bệt xuống sàn và mút tay. Vừa chăm chú nếm “chân giò” vừa lấy chân đẩy người xoay đến cả chục vòng tròn!  Sàn phòng GYM sau buổi hôm nay có một khoảnh sáng bóng 😛

Đầy tinh thần trách nhiệm, một anh cu vừa múa vừa ngáp!

Các lớp bé có nhiều tiết mục thi với sự trợ giúp của bố mẹ.  Mẹ đi hái “nấm”, nấm chính là con ngồi nấp sau cái thùng giấy.  Bố cùng con thi đua xe và đi bộ thăng bằng trên cái bục gỗ cao hẳn đến… 2ocm.

Đến khi con làm mèo và hổ có cái đuôi dài. Nhưng ô kìa, sao đuôi của một chú mèo lại mọc ở đằng trước?  Thế là các bố các mẹ cứ cười bò lăn với cái đuôi mọc nhầm chỗ.

Trẻ con, có những đứa rất vui thích với các trò chơi thì ngược lại, có những đứa không thích. Và khi không thích thì người ta khóc thôi.

Mọi sự đến là vui!  Cả người khóc lẫn người không khóc, đều vui.

This slideshow requires JavaScript.

Trường mẫu giáo không tổ chức undokai xuyên trưa vì lý do các vận động viên còn nhỏ tuổi, không thể hao tổn sức lực trong thời gian dài.  Thế là trước giờ trưa đã bế mạc. Mỗi bạn có một phần quà mang về.

DD được tặng túi croissant kèm theo lời chúc mừng, nó ôm rịt lấy cái túi bánh.  Bố bảo “Phần thưởng thì phải chia cho cả người khác nữa chứ? Công mọi người đi cổ vũ cũng lớn lao phết đấy!”  Công nhận, bố phải bỏ cả buổi họp ngày thứ Bảy để đi cơ mà.

Tan lễ, thấy có một em bé cũng nằm trong chiếc giỏ mây y như giỏ của LL, cùng đến dự undokai cổ vũ các anh chị. Nhưng mà em ấy thức để xem/nghe chứ không như LL nhà mình, đến để mượn không khí ngủ cho ngon.

Croissants: bơ động vật và bơ thực vật

Mấy hôm nay không có bài mới, chẳng phải vì bận bịu gì, mà mải mê nghịch mớ bơ thực vật hôm nọ.  Sau mẻ choux nở đẹp, lại mong có thể thay thế bơ-từ-bò trong các loại bột cán lớp.  Nếu mà làm croissant hay puff pastry với bơ thực vật này ngon lành, thì có lẽ cả nhà mình tạm biệt bơ động vật thật.

Xuất xứ từ Pháp, Pâté Feuilletée (tiếng Anh: Puff Pastry) được coi là vua của các loại bột pastry.  Pâté Feuilletée có ứng dụng để làm Napoleons, Palmiers, Allumettes trong khi đó thì Pâté Croissant (hay Danish) lại dành để làm croissants, braided danish, ring tea, bear claws, v.v.  Cả hai đều có thành phần chính là bơ và bột, nhưng Pâté Croissant/Danish có dùng chất gây nở (men) nên bánh có độ mềm hơn so với Pâté Feuilletée.

Vì đã lên kế hoạch cho mùa đông sắp tới, sẽ cần phải có mỗi loại bột một ít (tức là vài cân) trong ngăn đông lạnh.  Buổi sáng dậy sớm một chút, lấy bột ra rã đông, vào trùm chăn ngủ tiếp, rồi lát sau dậy để gói nhân hay tạo hình, và cho vào nướng, đi ngủ tiếp (có thể màu bánh hôm nào ngủ quên sẽ đậm hơn bình thường, nhưng có sao…), và lúc đó bữa sáng cho cả nhà đã sẵn sàng.

Thế là mấy ngày liền, cán và cán…

Dùng bơ thực vật cán lớp không dễ hơn dùng bơ thường chút nào vì độ tan chảy của bơ thực vật loại này cũng y như là bơ “kia”.  Kết quả bánh sau khi nướng lại hơi khác, các lớp bột tách rõ ràng hơn, “đẹp” hơn.

Bên trong ruột bánh có vẻ ướt hơn, các lớp bột (ngược lại với phần vỏ) có vẻ “hơi không bình thường.”  Màu bánh cũng vàng hơn.

Ấy là vì so sánh với những chiếc bánh cán bằng bơ động vật.  Tấm hình này nhắc nhớ tháng 5 năm kia (lâu thế!), trong lúc đau cổ tay và cán bằng một tay, những đĩa bánh như thế này ra đời…

Rồi hè năm nay trước khi nhập viện sinh LL, tủ lạnh cũng có mấy cân “phục vụ” ba bố con và cô D. trong lúc “hai mẹ con người ta” vắng nhà.

Cuối cùng thì lại phải quay trở về cái máng lợn cũ vì bơ thực vật loại mới này không phù hợp lắm để làm croissant, và chắc là cả puff pastry nữa. Không đạt yêu cầu về độ ngon.

Sớm nay, bớt ra vài miếng bột để nướng một khay bánh mặn, rùa mẹ với TT có bữa sáng muộn (hôm nay con gái đi học có 1 giờ đồng hồ)

Nấu sôi xoong sữa để pha cà phê… phải “tặng” lại cái bàn một giọt to đùng…

Hy vọng LL lớn lên sẽ thích uống cà phê, vì nhà mình chẳng ai nghiện cà phê cả, trong khi mẹ của LL lại chỉ thèm ngửi mùi cà phê mỗi sáng.  Xin hứa nếu con uống được cà phê, mẹ tình nguyện pha mỗi sáng, chỉ xin ngửi ké thôi 😛

Đấy mà, gặp lại chiếc bánh “thật”, có bơ nó phải ra thế này chứ! Phần ướt chính là pho mát đấy.  Croissant cuộn pho mát và ham, khuyến mại chút tiêu xay.

“Trận đánh” với croissant và puff pastry vẫn tiếp diễn.  Trong khi đó rùa mẹ vẫn phải tìm hiểu xem bơ thực vật còn có thể làm gì được tốt ngoài choux!