Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Luôn luôn đỏ lửa ♥ Nồng ấm yêu thương

Chuyện của Nick, chuyện của Công Hùng và chuyện của rất nhiều người

Nick Vujicic, một người sinh ra đã không có chân tay, đến Việt Nam.  Ồn ào cả “vương quốc” truyền thông nhà nước (các báo chính thống) lẫn tư nhân (các nhà báo nghiệp dư trên các diễn đàn và Facebook).

Chuyện của Nick, với mình không mới vì 2-3 năm trước khi báo chí nước ngoài đưa tin, mấy mẹ con đã có dịp xem các video về anh trên youtube, và đã cùng nhau nói chuyện thật nhiều về con người này. Chuyện của anh ấy làm mình khâm phục, cũng như khi mình được làm quen và biết về Công Hùng cùng trung tâm Nghị Lực Sống của Hùng. Nói Nick là sản phẩm của truyền thông cũng được, quảng cáo PR cũng chẳng có sao, chẳng quan trọng.

Các bạn (đa số không khuyết tật về hình thể) bảo nhờ có anh ấy mà như được tiếp thêm động lực, niềm tin để phấn đấu vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống. Thật tốt, thật hay.

Nhưng mình nghĩ, sẽ là ý nghĩa vạn lần hơn, nếu như mọi người nhìn vào Nick để cùng nhau thay đổi quan niệm với người khuyết tật. Đối xử thế nào để 8-10 triệu người khuyết tật tại Việt Nam có thể tự tin ra đường, sinh hoạt bình thường với những ánh nhìn bình thường, không kỳ thị hay phân biệt.

Có ý kiến bảo xã hội cũng ghi nhận sự cố gắng của Công Hùng đấy chứ? Có, nhưng con số biết về anh ấy và biết về những việc anh ấy làm là rất ít. Một người khuyết tật lập nghiệp xa nhà, ở trọ mà phải di chuyển nơi ở hết nơi này sang nơi kia, đi ra đường chịu nhiều lời nói độc địa. “Hiệp sỹ Công Nghệ Thông Tin” của nước nhà đấy.

Có ý kiến bảo bởi những người như Công Hùng, không có tài ăn nói, không có khuôn mặt ưa nhìn nên có lăng xê thì cũng chẳng đi đến đâu. Nhưng còn vận động viên Lê thị Huệ thì sao? Cô có tài, và cô đã cống hiến rất nhiều cho thể thao. Mười năm sau chấn thương, Huệ sống ra sao có ai còn để ý?

Nick Vujicic đến Việt Nam rồi sẽ về. Những người kém may mắn nhìn vào anh như một tấm gương để sống, những người may mắn hơn nhìn vào anh như một động lực để vươn lên. Nhưng sẽ còn lại gì nếu vẫn tồn tại những cách suy nghĩ bao năm qua?  Người khuyết tật liệu có vác tấm gương đó mãi để tiến lên phía trước nếu như trước mắt họ là những định kiến của xã hội? Nick chỉ có 1, nhưng những ánh mắt là cả trăm, cả vạn.  Họ phải sống thế nào?

Phần đầu của chương trình giao lưu tại SG tối 22/5, Nick có nói về việc những người xung quanh đã đối xử ra sao với anh, để giúp anh xua đi mặc cảm và sống một cuộc đời bình thường nhất có thể. Mình chỉ xem đến vậy, và có lẽ các đoạn khác sau đó đã được nói đến trong các video trên youtube mình đã xem rồi.

Nếu sau các buổi nói chuyện của Nick, những người lãnh đạo nhận ra cần phải thay đổi ngay chính sách với người khuyết tật.

Nếu sau các cuộc giao lưu cùng Nick, các kiến trúc sư tuyên bố sẽ thiết kế các tiện ích dành cho người khuyết tật trong bất cứ các kiến trúc công cộng nào họ thiết kế.

Nếu sau các lần gặp gỡ doanh nhân của Nick, các ông chủ tập đoàn có thể tuyên bố dành cho những người khuyết tật những công việc phù hợp trong công ty của mình.

Nếu sau khi xem truyền hình về Nick, mỗi chúng ta nhìn vào những người khuyết tật với ánh mắt khác đi, thì Nick không chỉ đã giúp những người lành lặn có thêm niềm tin, mà còn giúp xã hội xuất hiện thêm nhiều Anh-Nick-madeinVietnam nữa.

Nếu việc làm của Nick là đáng trân trọng, thì tại sao ta không cùng anh mang những việc đáng trân trọng đó đến với những người không may mắn xung quanh?
Gần 32 tỷ đồng (1.5 triệu đô la), nếu có thể làm thay đổi suy nghĩ của một xã hội, mình cho rằng là cái giá quá rẻ. Nhưng nếu không, thì vài đồng bỏ ra cũng đã là rất đắt rồi.

Nhờ truyền thông, mình nhận ra có quá nhiều người khuyết tật.  Tự dưng có một người nước ngoài đến nói chuyện, và thế là mọi người chia thành hai phe rõ rệt. Bên này chê bên kia “não ngắn,” bên kia chỉ trích bên này “vọng ngoại,” thế rồi đang là bạn tự dưng cãi nhau, unfriend FB loạn xị.  Nói một cách khách quan, những cuộc tranh luận như thế này chả mang lại lợi ích gì cả. Liệu vài thế hệ nữa, xã hội Việt Nam sẽ có một Nick để khỏi phải săm soi vào số tiền kia không?

quy 201 - 1

Giới thiệu chương trình tặng xe lăn cho người khuyết tật

Người sáng lập: CML Training Group
Bắt đầu hoạt động: 10:10′ ngày 10-10-2010
Nội dung quỹ: Tặng 201 xe lăn cho người khuyết tật trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính sách: Ưu tiên người khuyết tật ở độ tuổi dưới 16 tuổi.
Nguồn huy động:
– Trích thường xuyên từ học phí của các khóa mà CML đã thực hiện.
– Đóng góp tự nguyện của các mạnh thường quân.
– Đóng góp tự nguyện của các học viên hảo tâm.
– Nguồn khác phi vụ lợi và phi chính trị.
Đặc điểm: Không được tồn quỹ lâu hơn 1 tháng. Huy động được bao nhiêu tiền lập tức chuyển thành hiện vật là xe lăn và tặng liền tới tận tay cho người khuyết tật tại các địa phương. Không chủ trương truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng.

HÃY LIÊN HỆ VỚI QUỸ

CML Training Group, Công ty Linh Giao, Công ty CP Trại Vui Cuối Tuần
Lầu 3, 643 Điện Biên Phủ, Q3, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08. 2220 3729 / 091 383 4671 Ms Huong Tran
Web: http://www.changemylife.vn / Email: ican@changemylife.vn

16 responses to “Chuyện của Nick, chuyện của Công Hùng và chuyện của rất nhiều người

  1. Nguyễn Thị Thu Thủy 02/07/2013 lúc 1:10 Chiều

    Mình đọc những thông tin tuyển dụng yêu cầu về ngoại hình, chiều cao mà thấy buồn vì như vậy là phân biệt về hình thức rồi, còn quá ít cơ hội cho người không may trong cuộc sống!

    • Loi 18/10/2013 lúc 3:21 Chiều

      Thu Thủy,
      Như mình được biết thì chuyện phân biệt ngoại hình, nam, nữ….là phạm luật ở nước ngoài rồi vì mọi người đều bỉnh đẳng như nhau.

  2. M. Uyên 30/05/2013 lúc 10:13 Chiều

    Cám ơn bạn về bài viết.
    Xã hội chúng ta, cần có cách nhìn đúng hơn về người khuyết tật. Nhiều lúc xem ti vi hay đọc các tài liệu về luật, mình vẫn thấy mọi người vẫn còn dùng từ ” tàn tật”. Nếu những người lập pháp, những phương tiện truyền thông vẫn còn cách dùng từ thô thiển như thế đối với người khuyết tật thì làm sao khiến cho xã hội thay đổi quan niệm của họ đối với người khuyết tật.

  3. Thái 29/05/2013 lúc 11:37 Sáng

    Cảm ơn bài viết rất hay của bạn. Tôi có chia sẻ vài suy nghĩ ở đây: http://vnhacker.blogspot.com/2013/05/nick-vujicic.html

    Thân!

  4. Kiku Vietnam 25/05/2013 lúc 8:17 Sáng

    Em thực sự cảm ơn chị về bài viết này và thông tin về CML Tranining Group. Một cảm giác đồng cảm thực sự. Em cũng đang ở Nhật nên thấy hạ tầng dành cho người khuyết tật/người gặp vấn đề về sức khỏe ở đây đúng là mơ ước đối với VN. Từ nhà vệ sinh, xe buýt, lối đi trên đường phố, sân ga, khách sạn, bảo tàng… nơi nào người khuyết tật cũng có thể tiếp cận được. Theo em, khuyết tật không hẳn do bẩm sinh mà có thể do tai nạn hay ốm đau để lại hậu quả, nên nguy cơ rủi ro bị khuyết tật ở VN còn cao hơn rất nhiều khi giao thông và an toàn trong sản xuất lao động chưa được đảm bảo. Về thái độ của những người tự cho mình là “bình thường” đối với người khuyết tật hay các vấn đề khác thì các anh chị cũng biết và bình luận cả rồi. Em chỉ không hiểu vì sao khi VN quan hệ ngoại giao với NB 40 năm rồi, mà những công nghệ và sự tiến bộ của NB sao không được áp dụng ở VN? Em hoàn toàn đồng tình với tâm tư của chị, vẫn một từ “giá mà” các nhà làm chính sách, những người ra quyết định có TÂM và TẦM?

    Em xin phép chị cho em chia sẻ những hình ảnh mà em chụp ở Nhật (không phải với mục đích quảng cáo cho FB cá nhân hay thương mại gì cả) với mong muốn giúp những người chưa có cơ hội đi Nhật có thể thấy một phần tiền thuế của người dân Nhật đã được sử dụng như thế nào trong việc hỗ trợ người khuyết tật.

    http://www.facebook.com/media/set/?set=a.10200098392715526.1073741835.1021313392&type=3

    Một lần nữa, em cảm ơn chị về bài viết này 🙂

  5. Nguyễn lâm Thuý 24/05/2013 lúc 11:04 Chiều

    Đơn giản hoá vấn đề để thấy cuộc sống vui vẻ hơn!
    Các bạn ơi vì sao Nick làm được những việc mà nhiều người Bình thường không làm được? Nội Lưc của NIck ở đâu? Ngoại lực của Nick ở đâu? Chúng ta khám phá ra điều này thì hạnh phúc của con em sẽ đầy đặn hơn đấy! Mình nghĩ rằng Nội lực của Nick là sự khát khao được thừa nhận là người Bình thường Cộng thêm tình yêu với mẹ. Ngoại lực của Nick chính là vì Nick không bị áp lực phải làm được việc này hay phải trở nên thế kia…Cộng thêm Nick luôn được cha mẹ và thầy cô …khích lệ trước mỗi tiến Bộ nho nhỏ của mình – NUÔI DƯỠNG CẢM GIÁC THÀNH CÔNG để Nick Vượt lên chính mình và say sưa với các thử thách. Các bạn có đồng ý thế không?

  6. Mebacon 24/05/2013 lúc 3:10 Chiều

    Chào Khai Tâm,

    Biết tới Khai Tâm từ năm 2005 khi lang thang trên mạng tìm công thức làm bánh. Vậy mà do tính tự ti và xấu hổ, cứ tàu ngầm ra vào bếp Rùa mà chẳng dám chào hỏi làm quen. Tự thấy mình tệ thật ý.

    Mình rất thích các bài biết của Tâm bởi sự giản dị, tinh tế mà vô cùng sâu sắc. Từng câu chữ nhỏ nhoi nhưng lại có sức lay động rất lớn. Và như bạn nào đó nói ở trên mình thấy rất đúng: nhiều bài viết của Tâm có thể định hướng cách suy nghĩ của rất nhiều người.
    Về chuyện người khuyết tật, thì hồi ở Nhật, mình và vài người bạn cũng có nói chuyện về chủ đề: tại sao khi ra đường ở Nhật gặp rất nhiều người khuyết tật. 1 anh bạn mình cho rằng, theo như a ý biết thì trước đây ở Nhật không ủng hộ việc sàng lọc trước sinh nên kể cả có phát hiện khiếm khuyết từ trong bào thai vẫn để sinh như bt. Vậy nên có tỉ lệ người khuyết tật cao. Nhưng theo mình quan sát thì, tất cả các địa diểm công cộng cũng như phương tiện giao thông ở Nhật đều có những thiết kế lối đi dành cho người khuyết tật, chính bởi thế họ mới tự tin tự mình ra khỏi nhà mà ít gặp phải những khó khăn. Và cũng chính bởi thế nên người khuyết tật mới được nhìn thấy nhiều ở các nơi công cộng. Và ngay cả những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như quạt, nồi cơm điện, các nhà sản xuất cũng lưu tâm làm các nút điều khiển có chữ và số dập nổi. Quả thực mình thấy những thứ đó chứa đựng rất nhiều tình cảm và sự quan tâm.
    Cách đây 2 hôm, mình có đi thang máy ở 1 chung cư, khi bấm nút gọi thang, chợt thấy ấm lòng bởi trên nút điểuf khiển và nút gọi số tầng đều có chữ dập nổi – và khi vào bên trong, đungs như dự đoán của mình, chiếc thang đó có nguồn gốc từ nước Nhật. Mình nghĩ, Nhật là một tấm gương cực cực sáng mà Việt Nam cần học tập để thay đổi cách suy nghĩ, thái độ của mọi người và toàn xh đối với người khuyết tật.

    Vài lời bộc bạch làm quen với người được rất nhiều người ngưỡng mộ.
    Thân ái.
    Mebacon.

  7. phtamha 24/05/2013 lúc 12:48 Chiều

    cái nhìn thông minh, sâu sắc

  8. Na và Nấm 24/05/2013 lúc 10:49 Sáng

    1000 likes cho bài biết này của KT. “Vọng ngọai” hay ko là do quan niệm của mỗi người, riêng mình khi xem xong chương trình chỉ cầu mong sao cho mỗi người may mắn lành lặn trong chúng ta hãy có thái độ, sự quan tâm đúng mức để người khuyết tật ko cảm thấy mình là người khác biệt trong xã hội này. Ngay cả Nick cũng đã từng chịu rất nhiều sự kỳ thị ở nước của anh ấy, may mắn là bên cạnh anh ấy còn rất nhiều người hiểu biết để nâng đỡ, động viên để anh có thể trở thành con người của ngày hôm nay.

    • Little Wees 25/05/2013 lúc 11:51 Chiều

      Thật sự mình thấy đó là một chương trình rất có ý nghĩa. Hiệu ứng truyền thông quá tốt, tập trung sự chú ý của rất nhiều người, đánh động vào cộng đồng. So với rất nhiều chương trình vô bổ, tốn tiền tỉ, thì mình thấy đây là một chương trình quá hay.

  9. QuocThanh 24/05/2013 lúc 8:48 Sáng

    Tâm nói rất đúng, còn có quá nhiều người Việt Nam khuyết tật tài giỏi chưa được xã hội Việt Nam vinh danh đúng mức. Cũng như sự kỳ thị quá nặng nề tàn nhẫn của những người khuyết tật tâm hồn đã làm thui chột biết bao nhiêu Nick Vujicic Việt Nam
    Theo đánh giá của riêng mình, truyền thông đã làm quá lố, làm mất đi tính thân thiện của Nick và tính nhân văn của chương trình, có cảm giác như Nick cũng chả khác các ngôi sao show biz là mấy. Đã thế, ban tổ chức cũng không chuyên nghiệp, không có lối riêng cho nhà báo, buổi đón Nick một đám chen chúc, hỗn loạn, ồn ào.
    Đến anh MC dịch mới đáng chán chứ!!!! Thất vọng với chương trình này.

  10. Tran Phuong Tu 24/05/2013 lúc 8:34 Sáng

    Cảm ơn mẹ Rùa vì bài viết rất đúng và trúng. Có lẽ chuyện mời Nick còn thể hiện tâm lý sính ngoại của người Việt rất nặng chứ mình nghĩ người khuyết tật Việt Nam có nhiều tấm gương đáng để chúng ta học lắm chứ.

  11. Dung 24/05/2013 lúc 8:23 Sáng

    “Nếu …” mong rằng sẽ được hiện thực hóa ở Việt Nam mình trong một tương lai không xa.
    Nhưng ngẫm lại, mong ước trên có lẽ quá xa vời khi còn biết bao “điều phải nói” ở Việt Nam. Buồn …

  12. thanhbinh1004 23/05/2013 lúc 10:34 Chiều

    Quá hay và quá đúng KT ạ. Cảm ơn bạn

  13. Tracy 23/05/2013 lúc 9:02 Chiều

    Về vấn đề này bài viết của chị thực sự đã nói rất đúng và rất trúng. Cảm ơn chị đã có một bài viết giá trị để giúp định hướng suy nghĩ cho mọi người

  14. duongnguyen 23/05/2013 lúc 6:58 Chiều

    Cam on chi vi bai viet!!!

Bình luận về bài viết này